Các chất dinh dưỡng có trong các loại sữa hạt giúp chúng ta ngăn ngừa được bệnh ung thư, hỗ trợ tiêu hoá cũng như hỗ trợ kiểm soát cân nặng vô cùng hiệu quả. Với 10 công thức làm sữa hạt trong bài viết dưới đây, hy vọng sẽ giúp các bạn có được thêm một thức uống thơm ngon và phần nào cải thiện tình trạng sức khoẻ cho gia đình bạn nhé.
1. Sữa đậu nành
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm sữa đậu nành (Ảnh Internet)
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm sữa đậu nành
- Đậu nành: 500g.
- Nước.
- Đường.
- Dụng cụ: Máy xay sinh tố, túi lọc sữa/vải lọc, muôi/vá, nồi, ly/cốc,…
Cách nấu sữa đậu nành
- Các bạn nhớ loại bỏ các hạt bị hỏng và ngâm toàn bộ đậu nành khoảng từ 6 – 8 tiếng.
- Sau khi ngâm đậu xong, các bạn cho đậu vào máy xay và cho nước ngập đậu. Nếu số lượng đậu nhiều, các bạn có thể chia ra làm hai lượt xay nhé.
- Dùng túi lọc sữa hoặc vải lọc để lọc phần bã đậu. Để lọc cho kỹ, các bạn hãy lọc lại 2 lần nhé.
- Các bạn đun phần nước đậu nành vừa lọc xong ở lửa vừa, chú ý đừng để sữa bị khê hay trào ra khỏi nồi nhé.
- Sau khi đun xong, các bạn cho thêm đường tuỳ theo khẩu vị để thưởng thức sữa đậu nành nhé.
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí sữa đậu nành
Sữa đậu nành có màu trắng, thơm nhẹ, nếu khi uống không bị cặn thì các bạn đã hoàn thành món sữa này một cách xuất sắc rồi nhé. Các bạn có thể nhâm nhi một cốc sữa đậu thơm ngon với một số loại bánh ngọt hay bánh mì để giúp tiêu hoá dễ dàng hơn nhé.
Lưu ý khi làm sữa đậu nành
- Khi nấu sữa, ngoài việc chú ý đừng để bị tràn sữa, thì các bạn hãy vớt các bọt sữa thường thuyên nhé.
- Hạn chế việc trữ sữa đậu nành trong phích vì điều này có thể khiến chất lượng sữa bị giảm và bị ôi thiu.
Các bạn có thể tham khảo thêm cách nấu sữa đậu nành ở dưới đây nhé:
2. Sữa đậu nành lá dứa
Sữa đậu nành lá dứa với hai nguyên liệu chính là đậu nành, lá dứa (Ảnh Internet)
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm sữa đậu nành lá dứa
- Đậu nành: 500g (Các bạn cũng có thể mua loại đã đãi sẵn vỏ).
- Lá dứa.
- Nước lọc.
- Đường, muối.
- Dụng cụ: Máy xay sinh tố, túi lọc sữa/rây lọc/khăn màn, ly/cốc,…
Cách nấu sữa đậu nành lá dứa
- Trước khi cho đậu vào ngâm, các bạn hãy nhặt các hạt bị hỏng và cho nước ngập đậu khoảng 4 – 5 cm.
- Rửa qua đậu nành, sau đó đổ phần nước này đi rồi lại cho tiếp một lần nước nữa vào.
- Ngâm đậu trong khoảng 6 tiếng, cho đến khi hạt đậu nở ra. Lúc này các bạn sẽ rửa sạch đậu và để ráo nước.
- Trong lúc chờ đậu ráo nước, các bạn đem lá dứa rửa sạch và xắt nhỏ ra.
- Cho đậu nành, lá dứa và đổ ngập nước khoảng 2/3 máy xay, xay cho thật nhuyễn.
- Sau khi xay xong, các bạn chuẩn bị một tô lớn hoặc nồi, đổ hỗn hợp vừa xay vào túi lọc sữa/rây lọc/khăn màn. Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian và lọc hỗn hợp được kỹ hơn, túi lọc sữa hoặc khăn màn sẽ hiệu quả hơn nhiều nhé.
- Sau khi lọc lần 1, các bạn tiếp tục lấy phần bã và lượng nước tương đương lần 1 để xay lần 2. Sau đó, các bạn lại tiếp tục lọc lấy nước nhé.
- Cuối cùng, ta đun phần nước vừa mới lọc ở lửa vừa, khi xuất hiện váng trên bề mặt thì các bạn thêm một chút muối, và cho đường sao cho có độ ngọt vừa phải để thưởng thức nhé.
Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí sữa đậu nành lá dứa
Sữa đậu nành lá dứa phải thơm, có màu xanh lá nhạt, độ ngọt thì tuỳ vào khẩu vị của các bạn khi gia giảm lượng đường trong sữa. Các bạn có thể lựa chọn uống sữa đậu nành lá dứa riêng, hoặc ăn kèm với một chút bánh quy để tăng năng lượng cho ngày mới nhé. Các bạn có thể dùng một nhánh lá dứa đặt trên miệng cốc sữa để trang trí cho món này nhé.
Lưu ý khi làm sữa đậu nành lá dứa
- Khi đun sữa đậu nành lá dứa, các bạn hãy chú ý canh lửa vừa và đừng để sữa bị trào ra khỏi nồi nhé.
Các bạn có thể xem cách làm sữa đậu nành lá dứa ở video dưới đây nhé:
3. Sữa đậu nành đậu phộng
Nguyên liệu sữa đậu nành đậu phộng (Ảnh Internet)
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm sữa đậu nành đậu phộng
- Đậu nành: 500g.
- Đậu phộng: 100g.
- Nước.
- Đường.
- Dụng cụ: Nồi, máy xay, túi lọc sữa/vải lọc, muôi/vá, ly/cốc,…
Cách làm sữa đậu nành đậu phộng
- Trước khi ngâm đậu nành và đậu phộng từ 8 – 9 tiếng, các bạn hãy bỏ các hạt bị hỏng hay bị héo ra trước đã nhé.
- Sau khi ngâm xong, các bạn rửa lại bằng nước sạch và cho đậu vào máy xay theo tỉ lệ 2:1.
- Thêm nước sao cho ngập đậu, nếu như quá nhiều, các bạn có thể chia làm hai lần xay nhé.
- Lọc bỏ phần bã, các bạn nên lọc 2 lần để sữa không bị cặn khi uống nhé.
- Đun phần nước đậu nành đậu phộng ở lửa vừa, chú ý canh lửa và vớt bọt thường xuyên để tránh bị tràn hay bị khê sữa.
- Sau khi sữa chín, tuỳ theo khẩu vị mà các bạn gia giảm lượng đường cho vào sữa nhé.
Lưu ý khi làm sữa đậu nành đậu phộng
- Sau khi đun sữa xong, các bạn có thể bảo quản trong 2 ngày trong ngăn mát tủ lạnh, nhưng lý tưởng nhất vẫn là sử dụng trong ngay thôi nhé.
- Tuỳ vào sở thích của bạn và gia đình, trong lúc xay nhuyễn các loại hạt, các bạn có thể tuỳ ý gia giảm lượng nước xay để cho ra thành phẩm loãng hơn hoặc đặc nhé.
- Trong lúc nấu sữa, các bạn có thể nấu cùng lá dứa để sữa thơm hơn nhé.
Các bạn có thể tham khảo cách nấu sữa đậu nành đậu phộng ở dưới đây:
4. Sữa đậu nành mè đen
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm sữa đậu nành mè đen
- Đậu nành: 200g.
- Mè đen: 10g.
- Lá dứa (Tuỳ chọn).
- Nước lọc: 1 lít.
- Dụng cụ: Nồi, muôi/vá, túi lọc sữa/vải lọc, ly/cốc, máy xay,…
Cách làm sữa đậu nành mè đen
- Ngâm đậu nành khoảng từ 6 – 8 tiếng sau khi loại bỏ các hạt bị hỏng, sau đó rửa sạch với nước rồi để ráo.
- Rang mè đen cho thơm.
- Cho mè đen và đậu nành vào máy xay nhuyễn cũng lượng nước sao cho ngập đậu và mè.
- Lọc kỹ hai lần rồi bỏ phần bã đi.
- Cho lên bếp đun sôi phần nước đậu ở lửa vừa, chú ý canh lửa để không bị tràn và bị khê.
- Trong lúc nấu, các bạn có thể cho thêm lá dứa để sữa thơm hơn nhé.
- Sau khi nấu xong, các bạn cho thêm lượng đường tuỳ thích để thưởng thức sữa đậu nành mè đen nhé.
Yêu cầu về thành phẩm và cách trang trí sữa đậu nành mè đen
Sữa đậu nành mè đen sẽ có mùi thơm đặc trưng của mè cũng như sẽ có màu xám hoặc tối hơn. Các bạn có thể trang trí bằng mè đen rang hoặc bày một chút bánh ngọt bên cạnh ly sữa để thưởng thức nhé.
Lưu ý khi làm sữa đậu nành mè đen
- Khi nấu sữa, các bạn nên đun ở lửa nhỏ, vớt bọt và khuấy đều tay để sữa không bị tràn ra ngoài nhé.
- Bạn nên cho thêm đường vào sữa sau khi tắt bếp khoảng 20 phút nhé.
Các bạn có thể tham khảo cách nấu sữa đậu nành mè đen ở dưới đây:
5. Sữa bí đỏ đậu nành
Nguyên liệu nấu sữa bí đỏ đậu nành (Ảnh Internet)
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để nấu sữa bí đỏ đậu nành
- Đậu nành: 50g.
- Bí đỏ: 150g.
- Nước lọc.
- Dụng cụ: Nồi, muôi/vá, túi lọc sữa/vải lọc, ly/cốc, máy xay,…
Cách làm sữa bí đỏ đậu nành
- Ngâm đậu nành khoảng từ 6 – 8 tiếng sau khi loại bỏ các hạt bị hỏng, sau đó rửa sạch với nước rồi để ráo.
- Bí đỏ gọt vỏ, cắt khúc nhỏ.
- Luộc đậu nành và bí đỏ cho chín.
- Cho đậu nành và bí đỏ vào máy xay, cho ngập nước.
- Xay nhuyễn hỗn hợp và đổ ra rây hoặc túi lọc.
- Lọc hai lần để sữa uống mịn hơn.
- Đun lên ở lửa nhỏ, vớt bọt, sữa sôi lên thì tắt bếp.
- Đợi sữa nguội bớt, các bạn thêm đường là có thể sử dụng được nhé.
Yêu cầu về thành phẩm và cách trang trí sữa bí đỏ đậu nành
Sữa bí đỏ đậu nành sẽ có màu vàng cam đặc trưng của bí đỏ, mùi thơm ngậy của đậu nành. Các bạn có thể thêm đá nếu muốn uống sữa lạnh và ăn kèm một chút bánh quy cho bữa xế nhé.
Lưu ý khi làm sữa bí đỏ đậu nành
- Khi nấu sữa, các bạn hãy chú ý khuấy sữa đều tay, vớt bọt để sữa thơm hơn và cũng tránh bị khê nhé.
- Vì sữa đã có vị ngọt đặc trưng của bí đỏ nên các bạn chỉ nên thêm một lượng đường nhỏ thôi nhé.
- Nếu muốn uống sữa đặc, các bạn có thể giảm lượng nước khi xay hỗn hợp bí đỏ, đậu nành nhé.
6. Sữa hạnh nhân
Cách nấu sữa hạnh nhân thơm ngon bổ dưỡng (Ảnh Internet)
Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để nấu sữa hạnh nhân
- Hạt hạnh nhân: 100g.
- Nước lọc: 700ml.
- Đường.
- Dụng cụ: Nồi, muôi/vá, túi lọc sữa/vải lọc, ly/cốc, máy xay,…
Cách làm sữa hạnh nhân
- Rửa sạch hạt hạnh nhân, đun sôi sau đó ngâm qua đêm để hạt nở ra.
- Vớt ra, rửa sạch lại với nước và bóc lớp vỏ màu nâu của hạt hạnh nhân.
- Xay nhuyễn hạt hạnh nhân vừa bóc vỏ với 700ml nước, dùng túi lọc hoặc rây để lọc lấy phần nước cốt.
- Đun sôi phần nước cốt vừa lọc ở lửa vừa, chú ý khuấy đều tay, sau đó tắt bếp.
Yêu cầu về thành phẩm và cách trang trí sữa hạnh nhân
Sữa hạnh nhân có màu trắng ngà đặc trưng cộng thêm mùi thơm béo của hạnh nhân. Các bạn cũng có thể mua hạt hạnh nhân với số lượng nhiều hơn, rang đều, sau đó ăn kèm với sữa hạnh nhân nhé.
Lưu ý khi nấu sữa hạnh nhân
- Nếu muốn uống sữa hạnh nhân đặc, các bạn có thể giảm lượng nước lúc xay hạt nhé
- Để tốt hơn cho quá trình giảm cân, sữa hạnh nhân không đường là lựa chọn tốt nhất.
- Chú ý lúc nấu sữa hạnh nhân, các bạn nhớ vớt bọt đi để sữa trong và thơm hơn nhé.
Các bạn có thể tham khảo cách nấu sữa hạnh nhân ở dưới đây:
7. Sữa yến mạch
Nguyên liệu nấu sữa yến mạch (Ảnh Internet)
Nguyên liệu và dụng cụ cần thiết để nấu sữa yến mạch
- Yến mạch: 200g.
- Nước lọc.
- Mật ong: 15ml.
- Bột quế: 1 muỗng cà phê (Tuỳ chọn).
- Dụng cụ: Nồi, muôi/vá, túi lọc sữa/vải lọc, ly/cốc, máy xay,…
Cách làm sữa yến mạch
- Ngâm yến mạch trong khoảng 20 phút, vớt ra và rửa sạch chất nhờn.
- Sau khi yến mạch ráo bớt nước, cho vào máy xay nhuyễn cùng với một chút bột quế (Nếu có) và để ngập nước.
- Lọc hỗn hợp vừa xay thật kỹ, đun trên bếp ở lửa nhỏ, khi nào sôi thì cho một chút mật ong, khuấy đều và tắt bếp.
Yêu cầu về thành phẩm và cách trang trí sữa yến mạch
Sữa yến mạch sẽ có màu trắng ngà, thơm mùi quế (Nếu có), vị ngọt nhẹ của mật ong, nhưng nếu muốn uống ngọt hơn, các bạn có thể cho thêm một chút đường hoặc mật ong nhé.
Lưu ý khi nấu sữa yến mạch
- Nếu bạn đang trong quá trình giảm cân, hãy hạn chế cho thêm đường hay mật ong nhé.
- Khi nấu sữa, các bạn hãy khuấy đều tay, nấu ở lửa nhỏ và để sôi lăn tăn để tránh khê hoặc tràn sữa ra ngoài nhé.
- Nếu muốn bảo quản được lâu, sau khi lọc xong yến mạch, các bạn có thể cất trữ phần sữa luôn ở trong tủ lạnh mà không cần đun lên nhé.
Các bạn có thể tham khảo cách nấu sữa yến mạch ở dưới đây:
8. Sữa hạt sen
Nguyên liệu làm sữa hạt sen (Ảnh Internet)
Nguyên liệu và dụng cụ cần thiết để nấu sữa hạt sen
- Hạt sen tươi: 200g – 250g.
- Đường (Tuỳ chọn).
- Nước lọc.
- Dụng cụ: Nồi, muôi/vá, túi lọc sữa/vải lọc, ly/cốc, máy xay,…
Cách làm sữa hạt sen
- Rửa hạt sen sạch, để ráo nước.
- Xay hạt sen với tỉ lệ 1:1.
- Lọc bã hạt sen thật kỹ, nấu sữa ở lửa nhỏ, khuấy đều tay để sữa không bị khê.
- Khi sôi khoảng 20 phút, các bạn tắt bếp và gia giảm lựng đường tuy thích và uống sữa nhé.
Yêu cầu về thành phẩm và cách trang trí sữa hạt sen
Sữa hạt sen có màu trắng ngà, sữa sánh mịn. Các bạn có thể uống kèm với một chút bánh quy hoặc uống sữa hạt sen không bỏ thêm đường để hỗ trợ quá trình giảm cân nhé.
Lưu ý khi làm sữa hạt sen
- Đối với các bạn mua cả đài sen, khi tách phần ngân nhĩ, các bạn hãy giữ lại, phơi khô để làm trà uống nhé.
- Đối với các bạn mua hạt sen tách vỏ sẵn, chỉ cần rửa sạch với nước luôn để ráo và bắt đầu nấu sữa theo công thức trên nhé.
Các bạn có thể tham khảo cách nấu sữa hạt sen ở dưới đây:
9. Sữa đậu đỏ
Cách làm sữa đậu đỏ ngon (Ảnh Internet)
Nguyên liệu và dụng cụ cần thiết để nấu sữa đậu đỏ
- Đậu đỏ: 200g – 300g.
- Sữa tươi không đường: 500ml.
- Đường: 100g.
- Lá dứa (Tuỳ chọn).
- Dụng cụ: Nồi, muôi/vá, túi lọc sữa/vải lọc, ly/cốc, máy xay,…
Cách làm sữa đậu đỏ
- Ngâm đậu đỏ 8 tiếng để đậu mềm và loại bỏ các hạt đậu bị hỏng.
- Rửa sạch lại với nước sau đó cho đậu vào máy xay.
- Xay đậu với 500ml nước thật nhuyễn.
- Dùng túi lọc sữa hoặc rây để lọc lấy nước đậu.
- Đun phần nước đậu vừa lọc cho sôi, sau đó cho 500ml sữa tươi không đường rồi đun ở lửa nhỏ.
- Sau khi sữa sôi được khoảng 20 phút, cho thêm lá dứa (Nếu có) cho thơm, đun thêm một chút nữa rồi tắt bếp.
Yêu cầu về thành phẩm và cách trang trí sữa đậu đỏ
Sữa đậu đỏ có màu đỏ nâu nhạt, thơm và sánh mịn. Các bạn có thể sử dụng thêm bánh quy hoặc cho thêm một chút đá vào sữa nếu bạn muốn uống lạnh nhé.
Lưu ý khi làm sữa đậu đỏ
- Tuỳ vào độ đặc/loãng của sữa, các bạn có thể điều chỉnh lại lượng nước khi xay đậu nhé.
- Chú ý vớt bọt và khuấy đều sữa để sữa thơm hơn và không bị khê.
- Đối với các bạn đang trong quá trình giảm cân, một cốc sữa đậu đỏ sẽ tốt hơn rất nhiều cho việc giữ dáng đó nhé.
Các bạn có thể tham khảo cách nấu sữa đậu đỏ ở dưới đây:
10. Sữa đậu phộng
Cách làm sữa đậu phộng ngon (Ảnh Internet)
Nguyên liệu và dụng cụ cần thiết để nấu sữa đậu phộng
- Đậu phộng rang: 200g.
- Đậu phộng sống: 50g.
- Sữa tươi không đường hoặc có đường (Tuỳ chọn).
- Đường.
- Dụng cụ: Nồi, muôi/vá, túi lọc sữa/vải lọc, ly/cốc, máy xay,…
Cách làm sữa đậu phộng
- Đậu phộng sống để ngâm qua đêm rồi đãi vỏ, rửa sạch với nước.
- Xay hai loại đậu phộng, cho ngập nước.
- Sau khi xay nhuyễn, đỏ ra rây hoặc túi lọc, chắt lấy nước thật kỹ.
- Đun hỗn hợp ở lửa nhỏ, khuấy đều tay và hớt bọt.
- Khi sôi lên, các bạn có thể cho thêm sữa tươi (Nếu có), đun thêm khoảng 5 phút rồi tắt bếp.
Yêu cầu về thành phẩm và cách trang trí sữa đậu phộng
Sữa đậu phộng có màu trắng ngà đặc trưng, sữa sánh mịn, thơm nhẹ. Các bạn có thể điều chỉnh lượng đường sao cho vừa miệng nhất sau khi để sữa nguội bớt khoảng 20 phút, hoặc uống cùng thêm một chút đá nhé.
Lưu ý khi làm sữa đậu phộng
- Nếu các bạn muốn cảm nhận hương vị thơm béo đặc trưng của đậu phộng, sẽ tốt hơn nếu các bạn không sử dụng thêm sữa tươi trong quá trình nấu.
- Tuỳ vào độ đặc/loãng của sữa, các bạn có thể điều chỉnh lượng nước khi xay đậu phộng nhé.
Các bạn có thể tham khảo cách nấu sữa đậu phộng ở dưới đây:
Các bạn có thể tìm hiểu thêm các công thức khác dưới đây:
- Cách làm bánh mì cua bơ sữa tại nhà bổ dưỡng, thơm ngon
- Công thức làm ức gà nướng kèm salad thơm ngon, bổ rẻ cho cả gia đình
- Cách làm bánh bông lan custard màu tím lá cẩm thơm ngon, mát lạnh cho ngày hè oi bức
Đừng bỏ lỡ các công thức nấu ăn mới nhất trong chuyên mục Món ngon của BlogAnChoi nhé!
source https://bloganchoi.com/cong-thuc-lam-sua-hat/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét