Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Hướng dẫn của CDC Mỹ: Nên làm gì với thú cưng nghi ngờ hoặc chắc chắn nhiễm COVID-19?

Thú cưng bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 có phải cách ly như con người không? Cần lưu ý gì khi chăm sóc cho chúng để tránh lây nhiễm sang người? Dưới đây là hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) về vấn đề này.

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 thuộc họ Coronavirus, đó là một họ lớn gồm rất nhiều loại virus khác nhau. Một số coronavirus gây bệnh giống như cảm lạnh ở người, trong khi những loại khác gây bệnh cho một số động vật như gia súc, lạc đà và dơi. Đặc biệt một số virus trong họ này chỉ lây nhiễm ở động vật mà không lây cho người.

Nhiều loài động vật có thể bị nhiễm coronavirus (Ảnh: Internet).
Nhiều loài động vật có thể bị nhiễm coronavirus (Ảnh: Internet).

Virus gây COVID-19 có thể lây từ người sang vật nuôi và ngược lại không?

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa hoàn toàn sáng tỏ về phương thức lây lan của virus, nhưng các nhà khoa học hiện nay đã biết rằng nó có thể lây từ người sang động vật trong một số trường hợp, đặc biệt là khi động vật tiếp xúc gần với người đã mắc COVID-19.

Một số ít vật nuôi trên toàn thế giới, trong đó có mèo và chó, đã được báo cáo là có biểu hiện triệu chứng khi bị nhiễm virus, chủ yếu là sau khi tiếp xúc gần với những người mắc COVID-19.

Để bảo vệ vật nuôi tránh bị nhiễm virus cần lưu ý:

  • Chủ của vật nuôi và tất cả mọi người sống trong nhà nếu đủ điều kiện nên đi tiêm vaccine COVID-19
  • Những người đã mắc COVID-19 không nên tiếp xúc với vật nuôi
  • Không nên để vật nuôi tiếp xúc với những người chưa được tiêm phòng và những người lạ ngoài gia đình

Nguy cơ vật nuôi lây bệnh COVID-19 sang người hiện nay được cho là thấp. Không cần đeo khẩu trang cho vật nuôi, trên thực tế khẩu trang có thể gây hại cho chúng.

Không cần đeo khẩu trang cho động vật (Ảnh: Internet).
Không cần đeo khẩu trang cho động vật (Ảnh: Internet).

Hiện không có bằng chứng cho thấy virus có thể lây từ da hoặc lông của vật nuôi sang cho người. Không cần lau hoặc tắm cho thú cưng bằng các chất khử trùng hóa học, cồn, hydrogen peroxide (oxi già) hoặc các sản phẩm khác như nước rửa tay, nước lau chùi bếp hay các chất tẩy rửa khác. Nếu bạn chưa biết sản phẩm nào thích hợp để tắm hoặc vệ sinh cho thú cưng của mình thì hãy đến gặp bác sĩ thú y để được tư vấn.

Nếu một người đã bị mắc COVID-19 thì phải làm gì với thú cưng của mình?

  • Nếu bạn nghi ngờ hoặc đã được xác nhận mắc COVID-19 qua xét nghiệm thì phải tránh tiếp xúc với thú cưng và các động vật khác, tương tự như cách ly với con người.
  • Nếu có thể, hãy nhờ một người trong gia đình chăm sóc thú cưng của mình.
  • Tránh tiếp xúc với thú cưng như vuốt ve, ôm ấp, hôn, liếm, ăn chung hay ngủ chung giường.
  • Nếu buộc phải tự chăm sóc thú cưng của mình hoặc phải tiếp xúc gần với động vật khi đã mắc COVID-19, hãy đeo khẩu trang và rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với chúng
Hạn chế tiếp xúc với thú cưng nếu bản thân bạn đã mắc bệnh (Ảnh: Internet).
Hạn chế tiếp xúc với thú cưng nếu bản thân bạn đã mắc bệnh (Ảnh: Internet).

Phải làm gì nếu nghi ngờ thú cưng bị nhiễm virus?

Vật nuôi bị nhiễm virus có thể biểu hiện triệu chứng bệnh hoặc không. Trong số những vật nuôi có triệu chứng được quan sát tới nay, hầu hết chỉ bị bệnh nhẹ và sau đó hồi phục hoàn toàn. Dường như rất hiếm trường hợp bệnh nặng ở động vật.

Những vật nuôi có triệu chứng thường chỉ bị bệnh nhẹ và có thể được chăm sóc tại nhà. Nếu bạn nghi ngờ thú cưng của mình bị nhiễm virus hoặc lo lắng về sức khỏe của chúng thì hãy tìm đến bác sĩ thú y. Lưu ý rằng hầu hết vật nuôi bị nhiễm virus sau khi tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, do đó phải rà soát thật kỹ để phát hiện nguồn lây.

Phải tìm ra nguồn lây bệnh cho vật nuôi (Ảnh: Internet).
Phải tìm ra nguồn lây bệnh cho vật nuôi (Ảnh: Internet).

Nếu bạn đã mắc COVID-19 và thú cưng bị ốm thì không nên tự mình đưa chúng đến phòng khám thú y. Hãy gọi điện thoại cho bác sĩ thú y và nói cho họ biết bạn đã mắc COVID-19. Một số cơ sở thú y có thể tư vấn qua điện thoại hoặc cung cấp các dịch vụ khác để khám bệnh cho vật nuôi, bác sĩ thú y sẽ đánh giá để lên kế hoạch điều trị và chăm sóc cho thú cưng của bạn.

Phải làm gì nếu vật nuôi dương tính với virus gây bệnh COVID-19?

Tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể của con vật, bác sĩ thú y có thể khuyên bạn nên cách ly chúng ở nhà thay vì phải ở lại bệnh viện cho động vật. Trong trường hợp cách ly tại nhà, bạn có thể chăm sóc thú cưng của mình theo các lưu ý sau đây để bảo vệ bản thân và những người khác:

Thường xuyên trao đổi với bác sĩ thú y

Trước khi đưa thú cưng đến phòng khám, hãy gọi điện trước cho họ. Luôn chú ý theo dõi vật nuôi, nếu phát hiện chúng có vẻ khó thở hoặc các dấu hiệu mà bạn nghĩ là khẩn cấp thì phải thông báo ngay cho bác sĩ thú y.

Có thể cách ly vật nuôi tại nhà để chăm sóc (Ảnh: Internet).
Có thể cách ly vật nuôi tại nhà để chăm sóc (Ảnh: Internet).

Hạn chế một số hoạt động

Mặc dù hầu hết vật nuôi chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ về sự nhiễm virus ở động vật. Do đó ngay cả khi thú cưng của bạn có vẻ đã khỏe hơn thì vẫn nên tránh một số hoạt động cho đến khi bác sĩ thú y hoặc cơ quan chức năng địa phương xác nhận rằng những việc đó là an toàn hoặc con vật đó đã đủ điều kiện hết cách ly. Các hoạt động cần tránh bao gồm:

  • Đến cơ sở thú y mà không gọi trước cho bác sĩ thú y ở đó
  • Đến thăm các cơ sở chăm sóc sức khỏe của con người hoặc các trường học
  • Đi dạo công viên (kể cả công viên dành riêng cho thú cưng), đi tới chợ hoặc các cuộc tụ tập khác có nhiều người và vật nuôi, chẳng hạn như lễ hội
  • Đến các cơ sở chăm sóc cho động vật hay gửi chúng ở lại đó
  • Cho chúng gặp gỡ các vật nuôi của người khác hoặc đến thăm nhà khác có hoặc không có vật nuôi
  • Sử dụng xe dắt chó đi dạo hoặc thuê người trông giữ chúng mà người đó không sống trong cùng nhà
  • Đi du lịch với thú cưng
Hạn chế dắt thú cưng ra ngoài khi chúng đã bị bệnh (Ảnh: Internet).
Hạn chế dắt thú cưng ra ngoài khi chúng đã bị bệnh (Ảnh: Internet).

Cách ly thú cưng bị bệnh với mọi người và những thú cưng khác trong nhà

  • Nếu có điều kiện, hãy cho vật nuôi ở trong một “phòng bệnh” dành riêng cho chúng, hoặc cách ly với người và vật nuôi khác giống như cách ly người mắc COVID-19 với những người khác trong gia đình
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc với vật nuôi như vuốt ve, ôm ấp, hôn, liếm, dùng chung thức ăn hoặc giường ngủ
  • Nếu có thể, hãy cho vật nuôi một hộp vệ sinh hoặc khu vực vệ sinh tách biệt với những vật nuôi khác trong nhà
  • Nếu nhà có sân vườn, hãy cho vật nuôi giới hạn trong khu vực đó. Nếu bắt buộc phải dắt chúng đi thì chỉ hạn chế trong những lúc đi vệ sinh, chỉ đi gần nhà và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét với mọi người và vật nuôi khác. Không để người khác tiếp xúc với vật nuôi của mình.
Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi đã bị bệnh (Ảnh: Internet).
Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi đã bị bệnh (Ảnh: Internet).
  • Nên nhốt mèo trong nhà. Không cho mèo đã dương tính với virus gây bệnh COVID-19 đi lang thang bên ngoài.
  • Mang găng tay khi dọn dẹp cho vật nuôi. Cho phân hoặc chất thải của chúng vào túi kín rồi bỏ vào thùng rác có lót túi. Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước ngay sau khi dọn dẹp vệ sinh cho chúng. Hiện không có bằng chứng cho thấy chất thải từ vật nuôi bị nhiễm bệnh cần được khử trùng thêm.

Cung cấp cho vật nuôi chỗ ngủ, thức ăn, đồ đựng thức ăn và đồ chơi riêng, không dùng chung với các đồ dùng của người hoặc động vật khác trong nhà. Xử lý các đồ vật tiếp xúc với chúng bằng chất khử trùng đảm bảo chất lượng, sau đó rửa kỹ bằng nước sạch. Các đồ mềm như khăn, chăn mền và tấm trải để nằm có thể đem giặt và sử dụng lại một cách an toàn. Đồ bẩn đã tiếp xúc với động vật bị bệnh có thể giặt chung với các đồ khác.

Những đồ dùng của vật nuôi phải được xử lý kỹ (Ảnh: Internet).
Những đồ dùng của vật nuôi phải được xử lý kỹ (Ảnh: Internet).

Theo dõi các triệu chứng của thú cưng

Theo dõi các triệu chứng trong thời gian cách ly vật nuôi tại nhà là điều rất quan trọng. Vật nuôi bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 có thể biểu hiện các triệu chứng:

  • Sốt
  • Ho
  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Thờ ơ (lười biếng hoặc uể oải bất thường)
  • Hắt hơi
  • Sổ mũi
  • Tiết dịch ở mắt
  • Nôn ói
  • Tiêu chảy

Thực hiện theo các hướng dẫn của bác sĩ thú y, chẳng hạn như ghi lại các triệu chứng hằng ngày của thú cưng. Nếu bạn phát hiện các triệu chứng mới hoặc thấy chúng có vẻ trở nặng như khó thở nhiều hơn thì nên gọi bác sĩ thú y ngay lập tức, họ có thể tư vấn qua điện thoại hoặc yêu cầu bạn mang thú cưng đến phòng khám để chăm sóc tốt hơn.

Tự bảo vệ mình khi chăm sóc thú cưng bị bệnh

  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo tương tự như khi chăm sóc người bị nhiễm bệnh COVID-19 tại nhà.
  • Nên để cho các thành viên trong nhà đã được tiêm phòng đầy đủ phụ trách việc chăm sóc vật nuôi.
  • Nếu chủ của vật nuôi thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19 thì nên nhờ người khác trong gia đình chăm sóc chúng.
  • Tất cả mọi người nên đeo khẩu trang và găng tay khi ở trong cùng phòng hoặc khu vực với vật nuôi bị bệnh.
  • Không nên đeo khẩu trang cho động vật, đừng cố làm điều đó với thú cưng của bạn.
  • Đeo găng tay khi xử lý đồ đựng thức ăn, đồ chơi hoặc đồ trải nằm của thú cưng và khi dọn phân của chúng. Bỏ găng tay và các chất thải vào túi kín rồi vứt vào thùng rác có lót túi. Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước ngay sau khi dọn dẹp vệ sinh cho thú cưng.
Đảm bảo an toàn khi dọn vệ sinh cho vật nuôi (Ảnh: Internet).
Đảm bảo an toàn khi dọn vệ sinh cho vật nuôi (Ảnh: Internet).
  • Rửa tay thường xuyên trong ngày bằng xà phòng và nước, mỗi lần ít nhất 20 giây. Tất cả mọi người trong nhà đều nên làm như vậy, đặc biệt là sau khi chạm vào vật nuôi bị bệnh hoặc xử lý đồ dùng của chúng.
  • Nếu không có sẵn xà phòng và nước, hãy sử dụng chất sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn, phủ đều lên toàn bộ bề mặt bàn tay và chà xát cho đến khi cảm thấy khô.
  • Không dùng tay chưa rửa sạch chạm vào mắt, mũi và miệng của mình.
  • Không lau hoặc tắm cho thú cưng bằng các chất khử trùng hóa học, cồn, hydrogen peroxide (oxi già), hoặc các sản phẩm khác như nước rửa tay, nước lau chùi bếp hay các chất tẩy rửa. Không có bằng chứng cho thấy virus có thể lây từ da hoặc lông của vật nuôi sang người hoặc động vật khác. Hóa chất khử trùng có thể làm hại vật nuôi nhiều hơn. Hãy hỏi bác sĩ thú y về các sản phẩm thích hợp để tắm hoặc vệ sinh cho thú cưng.
Không phải sản phẩm nào cũng có thể dùng cho vật nuôi (Ảnh: Internet).
Không phải sản phẩm nào cũng có thể dùng cho vật nuôi (Ảnh: Internet).

Khi nào vật nuôi được kết thúc cách ly tại nhà?

Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ thú y, một số trường hợp có thể phải xét nghiệm theo dõi để xem vật nuôi có còn dương tính với virus hay không. Có thể cho chúng trở lại các hoạt động bình thường nếu:

  • Vật nuôi không biểu hiện triệu chứng trong ít nhất 72 giờ mà không được hỗ trợ y tế

VÀ:

  • Đã trải qua ít nhất 14 ngày kể từ lần xét nghiệm cuối cùng cho kết quả dương tính HOẶC tất cả các xét nghiệm theo dõi về tình trạng nhiễm virus tại thời điểm đó đều âm tính.

Những lưu ý chung để tự bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc với động vật

Vì tất cả các loài động vật đều có thể mang mầm bệnh có nguy cơ lây cho con người nên tất cả chúng ta cần nhớ những thói quen lành mạnh khi tiếp xúc với thú cưng và các động vật khác:

  • Rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật và thức ăn, chất thải hoặc đồ dùng của chúng
  • Thực hiện đúng quy trình vệ sinh và dọn dẹp cho vật nuôi
  • Nếu có thắc mắc về sức khỏe của thú cưng, hãy tìm đến bác sĩ thú y để được tư vấn
  • Lưu ý rằng một số đối tượng đặc biệt có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh do động vật lây truyền như trẻ em từ 5 tuổi trở xuống, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Trên đây là hướng dẫn của CDC Mỹ về cách phòng tránh lây nhiễm COVID-19 giữa con người với vật nuôi, cũng như những việc cần làm khi một trong hai bên bị nhiễm bệnh. Hãy bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng trước đại dịch này nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/thu-cung-bi-nhiem-covid-19/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét