Facebook cho biết đã lên kế hoạch tạo ra “siêu vũ trụ” (metaverse) để đưa chúng ta vào một thế giới khổng lồ “ảo mà như thật”. Nhưng chính xác thì metaverse là gì, và nó có tiềm ẩn những vấn đề như mạng xã hội hiện nay hay không?
“Siêu vũ trụ” mà Facebook đang nhắm tới thực chất là gì?
Khái niệm “metaverse” (siêu vũ trụ) xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash năm 1992, đó là nơi mà mọi người chạy trốn để thoát khỏi một thế giới nguy hiểm bị các thế lực đen tối thống trị. Sau này nó còn được dùng để miêu tả các trải nghiệm ảo trên mạng mà ngày càng trở nên phổ biến “nhờ” đại dịch COVID-19, chẳng hạn các game như Fortnite, các vật phẩm NFT có giá trị bằng tiền thật, thậm chí cả những cuộc họp và sự kiện trực tuyến.
Nhưng trong thời gian gần đây, thuật ngữ metaverse đang nhận được nhiều sự chú ý hơn – và cả những lo ngại liên quan đến tác động tiềm ẩn về đạo đức và xã hội – sau khi Mark Zuckerberg tuyên bố rằng: trong 5 năm nữa, Facebook sẽ là một “công ty siêu vũ trụ” và sẽ “tiếp bước Internet di động”.
Nói về tầm nhìn của mình, người đứng đầu Facebook mô tả metaverse là một thế giới trên mạng, nơi mọi người có thể đeo thiết bị thực tế ảo (VR) để không chỉ xem nội dung 3D mà còn có thể “sống” bên trong nó và tương tác với nhau. Đó sẽ là một không gian trực tuyến được xây dựng bởi các công ty, những người sáng tạo nội dung và các nhà phát triển để mọi người có thể tận hưởng cuộc sống như đời thật, kể cả làm việc. Facebook hiện cũng sở hữu một nền tảng thực tế ảo tên là Oculus.
Ngày 17/10 vừa qua, Facebook đã thông báo kế hoạch tuyển thêm 10.000 nhân viên ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) trong vòng 5 năm tới nhằm thúc đẩy xây dựng metaverse. Gã khổng lồ công nghệ này cho biết họ sẽ thuê các kỹ sư tay nghề cao của EU, tập trung vào Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hà Lan và Ireland.
Phó chủ tịch Nick Clegg cho biết: “Châu Âu cực kỳ quan trọng đối với Facebook. Từ hàng nghìn nhân viên ở EU đến hàng triệu doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng và công cụ của chúng tôi mỗi ngày, châu Âu là một phần quan trọng trong thành công của chúng tôi, cũng như Facebook nằm trong thành công của các công ty châu Âu và nền kinh tế rộng lớn hơn”.
Metaverse có thực sự là thế giới lý tưởng?
Tại Mỹ, Facebook đang cố gắng thuyết phục các cơ quan chính quyền cho phép triển khai dự án này. Họ đã cử giám đốc điều hành Sheryl Sandberg và phó chủ tịch Nick Clegg phụ trách chiến dịch vận động, ngoài ra đã bắt đầu lên kế hoạch về các tiêu chuẩn và giao thức của metaverse.
Tuy nhiên vấn đề lớn hơn được nhiều người quan tâm hiện nay là tác động của những “siêu vũ trụ” kiểu này đối với đời sống thật. Phải chăng metaverse sẽ là một cách để các công ty như Facebook thu thập dữ liệu của người dùng nhiều hơn nữa và kiếm lợi từ đó? Thậm chí còn có ý kiến cảnh báo rằng phải có tầm nhìn lâu dài và sự bảo vệ của các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo các công ty công nghệ không chi phối quá nhiều đến cuộc sống đời thực của con người.
Giáo sư Robin Mansell chuyên nghiên cứu về các phương tiện truyền thông mới và Internet tại Trường Kinh tế London cho rằng những tác động của công nghệ đối với con người, đặc biệt là trẻ em, là đáng lo ngại đủ để chúng ta phải áp dụng các biện pháp quản lý của chính quyền, chẳng hạn như kiểm tra tính minh bạch, bảo vệ dữ liệu, v.v.
Trong khi đối với hầu hết mọi người hiện nay metaverse vẫn là một khái niệm trừu tượng xa vời, thì những gã khổng lồ trên Internet đã và đang đầu tư rất nhiều tiền bạc lẫn hy vọng vào đó. Facebook mới đây đã tung ra một dịch vụ làm việc và hội họp thực tế ảo mang tên Horizon Workrooms (Phòng làm việc Horizon), nơi mọi người có thể họp từ xa bằng cách đeo thiết bị VR và nhìn thấy nhau như thể họ đang thực sự có mặt cùng nhau.
Facebook cũng đã ra mắt Ray-Ban Stories, sản phẩm “kính thông minh” đầu tiên của hãng có 2 camera cùng với micrô, loa và trợ lý điều khiển bằng giọng nói. Một số công ty khác như Microsoft, Roblox và Epic Games cũng đang đầu tư rất mạnh tay vào các phiên bản metaverse của riêng họ.
Giáo sư Mansell cho biết: các vấn đề chính trị – xã hội liên quan đến metaverse sẽ giống với các vấn đề của mạng xã hội hiện nay, chẳng hạn như bảo mật dữ liệu, giám sát, các quy định, v.v. Nhưng trong thế giới mà mọi người có thể “nhập vai” của metaverse, các vấn đề sẽ ở quy mô lớn hơn nhiều, do vậy các dịch vụ này nên được kiểm soát chặt chẽ trước khi ra mắt.
“Đối với tôi, có vẻ như đó chỉ đơn giản là một bước tiến khác trong việc kiếm tiền từ dữ liệu để đổi lấy lợi ích mà Facebook và các nền tảng lớn khác bán cho mọi người như niềm vui, sự thú vị, giúp ích cho năng suất trong công việc, v.v.”, giáo sư Mansell nói.
Scott Galloway, giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York nói rằng chính Mark Zuckerberg là trung tâm khiến cho metaverse thu hút sự chú ý nhiều như vậy. “Tôi không nghĩ mọi người sợ metaverse, mà họ sợ Zuckerverse. Và đó là những gì anh ấy đã đạt được trên mạng xã hội.”
Tiến sĩ David Leslie tại Viện Alan Turing ở London cho rằng metaverse sẽ cung cấp một “lối thoát” để giải quyết các vấn đề lớn nhất của xã hội hiện nay. Nó đặt ra các câu hỏi đạo đức về mọi thứ, từ việc ai là người xây dựng và kiểm soát nó cho đến nguy cơ bị mất “không gian an toàn của cuộc sống riêng tư” và cộng đồng dân số ảo không thể hiện đúng xã hội thật, vì không phải tất cả mọi người đều được tiếp cận với công nghệ hiện đại, dẫn đến “xã hội ảo” bị mất cân bằng về thành phần kinh tế, lối sống, chủng tộc, v.v.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Facebook có thể cấm bạn vĩnh viễn nếu bạn vi phạm 5 điều này!
- Siêu dự án Internet Starlink của Elon Musk có gì đặc biệt?
- Mạng 6G trong tương lai sẽ ra sao? Và khi nào mới trở thành hiện thực?
- Độ trễ của mạng 5G là gì, ảnh hưởng ra sao đến người dùng?
- Hệ điều hành iOS 15 của Apple đã lộ diện: Có gì hấp dẫn?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/sieu-vu-tru-facebook/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét