Vaccine COVID-19 đang được triển khai tiêm chủng diện rộng trên khắp thế giới, nhưng vì sao nhiều nước chưa tiêm cho trẻ em? Có phải trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn so với người lớn, hay vì vaccine chưa được chứng minh hiệu quả ở nhóm tuổi này?
Một số nước đã tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên như thế nào?
Vaccine của BioNTech-Pfizer và Moderna hiện đã được các nước thuộc Liên minh Châu Âu chấp thuận cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Moderna cho biết vaccine của họ đạt hiệu quả 100% trong một thử nghiệm lâm sàng ở độ tuổi này và được cơ thể dung nạp tốt.
Ủy ban Thường vụ về Tiêm chủng của Đức (STIKO) hiện đã khuyến nghị nên tiêm cho tất cả trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đánh giá của họ dựa trên dữ liệu mới từ Mỹ, nơi có gần 10 triệu trẻ em và thanh thiếu niên đã được chủng ngừa.
Theo STIKO, lợi ích của vaccine lớn hơn so với những tác dụng phụ rất hiếm gặp. Vào ngày 2/8/2021, bộ trưởng y tế các bang của Đức đã quyết định cho phép tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng. Tới ngày 13/8, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn viết trên Twitter rằng 1/4 số người trong nhóm tuổi này đã được tiêm ít nhất một mũi.
Vương quốc Anh cũng rất thận trọng về vấn đề này, quy định rằng trẻ em từ 12 tuổi trở lên được phép tiêm vaccine nếu bản thân có nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19 hoặc đang sống chung với người có hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng.
Còn tại Mỹ và Canada, vaccine BioNTech-Pfizer đã được sử dụng cho thanh thiếu niên và trẻ lớn kể từ tháng 5/2021. Chỉ riêng ở Mỹ có hơn 4,4 triệu trẻ từ 12 đến 15 tuổi đã được tiêm đầy đủ và gần 3,8 triệu trẻ đã được tiêm liều đầu tiên. Một số quốc gia khác cũng đã phê duyệt vaccine cho nhóm tuổi này, bao gồm Nhật Bản và Israel.
Tại sao vẫn còn tranh cãi về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em?
Ở nhiều quốc gia vẫn đang diễn ra các cuộc thảo luận để xác định xem việc tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên có hiệu quả đến đâu, và không phải tất cả các chuyên gia đều nhất trí với nhau. Nguyên nhân là vì vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp như: khả năng bị nhiễm và lây lan virus của trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi, tỷ lệ biểu hiện triệu chứng bệnh, và mức độ an toàn của vaccine đối với nhóm tuổi đó.
Miễn dịch cộng đồng ở người lớn là đủ để bảo vệ trẻ em?
Sẽ là sai lầm khi cho rằng chỉ cần tiêm chủng cho người lớn cũng giúp bảo vệ trẻ em trong đại dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê, trẻ em và thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn trong dân số toàn cầu và không thể bỏ qua độ tuổi này trong các nỗ lực xây dựng miễn dịch cộng đồng. Liên Hợp Quốc ước tính rằng trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chiếm 30,2% dân số thế giới, tức là khoảng 2,35 tỷ người.
Trong năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cần có 60% đến 70% dân số toàn cầu được tiêm vaccine để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay nhiều chuyên gia y tế công cộng – bao gồm cả tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia cấp cao của Mỹ – cho rằng chúng ta nên cố gắng đạt tỷ lệ tiêm chủng 85%.
Tuy nhiên ở nhiều quốc gia tỷ lệ người trẻ dưới 18 tuổi lại khá thấp, chẳng hạn như ở Đức chỉ chiếm khoảng 16,4% dân số. Do đó có thể giả định rằng ở những nước như vậy chỉ cần tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành là đủ để đạt được miễn dịch cộng đồng cho toàn bộ dân số. Trên thực tế ở Đức hiện nay chỉ hơn 62% dân số đã được chủng ngừa ít nhất một mũi.
Tuy nhiên, Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa và Thanh thiếu niên Chuyên nghiệp Đức (BVKJ) đã lên tiếng ủng hộ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 16 tuổi. Theo đại diện của hiệp hội này, đúng là số người trẻ chiếm tỷ lệ thấp, nhưng vì trên thực tế có rất nhiều người lớn không thể tiếp cận được với vaccine nên trẻ em và thanh thiếu niên vẫn là thành phần rất quan trọng, bởi vì không ai biết chính xác thực sự cần tiêm cho bao nhiêu người để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Giáo sư Karina Top, nhà nghiên cứu về vaccine và dịch tễ học tại Đại học Dalhousie của Canada, cho biết việc đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ phụ thuộc “vào việc tiêm chủng cho người lớn và tôi biết rằng có nhiều quốc gia lo ngại rằng nhiều người lớn không sẵn sàng tiêm chủng”. Đó là lý do để bà cho rằng tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên là quan trọng hơn bao giờ hết.
Trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ mắc COVID-19 tương tự như người lớn không?
Thật sai lầm khi nghĩ rằng trẻ em và thanh thiếu niên ít có khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19. Tuy nhiên Viện Robert Koch (RKI) – cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức – cho biết phần lớn trẻ em bị nhiễm bệnh chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Một nghiên cứu của Ý từ năm 2020 cho thấy thanh thiếu niên dưới 18 tuổi có ít nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn. Cụ thể, trong số 3.836 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm COVID-19, chỉ có 4,3% bị ốm nặng, với 4 trường hợp tử vong. Các bác sĩ tim mạch trên thế giới nói rằng từ 0,6% đến 2% trẻ em mắc COVID-19 cần được điều trị tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Trong một số trường hợp rất hiếm hoi, trẻ em và thanh thiếu niên có thể bị suy tim vì bệnh này.
Viện Nhi khoa Mỹ báo cáo rằng kể từ khi đại dịch bắt đầu, ít nhất 4,2 triệu trẻ em ở nước này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 (tính đến ngày 29/7/2021). Trong số đó có 0,1% đến 1,9% phải nhập viện. Tổng cộng có khoảng 0,03% trẻ em tử vong liên quan đến COVID-19, mặc dù chỉ có 2/3 số bang của Mỹ cung cấp dữ liệu.
Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF) cũng lưu ý rằng trẻ em có khả năng nhiễm virus giống như người lớn, nhưng ít có khả năng bị bệnh hơn. Theo họ, “sự khác biệt phụ thuộc vào độ tuổi này đã được quan sát thấy đối với các bệnh truyền nhiễm khác và có liên quan đến hệ miễn dịch của trẻ em và thanh thiếu niên phản ứng khác với hệ miễn dịch của người lớn”. Nhìn chung, hệ miễn dịch của con người trở nên kém hiệu quả hơn khi cơ thể già đi. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu xem liệu điều này có đúng với COVID-19 hay không.
Đồng thời, một nghiên cứu của RKI cho thấy 11% trẻ em gái và 16% trẻ em trai dưới 17 tuổi ở Đức mắc bệnh mãn tính, có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn nếu mắc phải COVID-19. Do vậy việc tiêm vaccine cho lứa tuổi này là nhằm mục đích bảo vệ bản thân trẻ chứ không chỉ là xây dựng miễn dịch cộng đồng.
Chế độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có giống như người lớn không?
Cho tới nay có rất ít nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu ảnh hưởng của vaccine COVID-19 đối với trẻ em và thanh thiếu niên, vì vaccine thường chỉ được thử nghiệm trên người lớn.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu đã phê duyệt vắc xin BioNTech-Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi dựa trên một nghiên cứu ở trẻ em trong độ tuổi này. Theo báo cáo, trong số khoảng 1.000 trẻ được chủng ngừa thì không có trường hợp nào mắc bệnh COVID-19, còn trong nhóm đối chứng được tiêm giả dược thì có 16 trẻ đã mắc bệnh.
Canada và Mỹ đã phê duyệt vaccine BioNTech-Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi dựa trên một nghiên cứu trên 2.260 trẻ ở độ tuổi này, trong đó có 1.131 trẻ đã được tiêm ngừa. BioNTech-Pfizer cho biết vaccine đã chứng minh hiệu quả 100% ở nhóm tuổi này, tức là hiệu quả cao hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác.
Mặc dù số lượng trẻ em tham gia vào các nghiên cứu trên không nhiều nhưng theo nhà nghiên cứu vaccine Karina Top thì điều đó là phù hợp vì chúng ta đã có rất nhiều dữ liệu và kinh nghiệm với độ tuổi từ 16 trở lên thông qua các nghiên cứu lớn trước đây. “Đã có hơn 100 triệu liều vaccine Pfizer được tiêm trên khắp thế giới, và chúng ta có dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn của vaccine đó ở những người đó”. Theo bà, những kết quả tương tự đối với độ tuổi từ 16 đến 25 có thể mở rộng để áp dụng cho độ tuổi từ 12 đến 15.
Nhưng Karina Top cho rằng cẩn thận vẫn hơn: “Chúng ta luôn phải tiếp tục theo dõi tính an toàn của vaccine sau khi chúng được chấp thuận sử dụng trong dân số, bởi vì ngay cả với 30.000 người trong một nghiên cứu thì bạn cũng không thể phát hiện ra những tác dụng ngoại ý rất hiếm gặp xảy ra ở 1/100.000 hoặc một phần triệu.”
Bác sĩ nhi khoa người Đức Axel Gerschlauer cũng đồng ý rằng vaccine được sản xuất cho người lớn chưa chắc đã phù hợp với trẻ em. Chẳng hạn như bệnh uốn ván, trẻ sơ sinh được tiêm loại vaccine đã sửa đổi khác với vaccine dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Đôi khi các nhóm tuổi khác nhau lại được tiêm liều lượng khác nhau, chẳng hạn như “người dưới 14 tuổi có thể nhận được hai liều vaccine HPV, ít nhất là ở Canada; nhưng những người từ 15 tuổi trở lên cần tiêm liều thứ ba vì phản ứng của họ không mạnh bằng,” nhà nghiên cứu Karina Top cho biết.
Theo các chuyên gia, hệ miễn dịch của trẻ em phản ứng khác với hệ miễn dịch của thanh thiếu niên và người lớn khi được tiêm vaccine, do đó việc tìm ra liều vaccine an toàn và hiệu quả nhất là điều cần thiết. BioNTech-Pfizer và Moderna hiện đang tiến hành các nghiên cứu với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, còn AstraZeneca đang thử nghiệm vaccine của mình trên trẻ nhỏ, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Vậy tóm lại có nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em hay không?
Bên cạnh các dữ liệu và ý kiến của chuyên gia thì đây vẫn là quyết định cá nhân và cần được thảo luận với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi khoa để đánh giá chính xác. Trong từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ có thể cân nhắc lợi ích cũng như nguy cơ đối với trẻ và đưa ra khuyến cáo phù hợp.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- COVID-19 có thể gây ra 11 triệu chứng rất kỳ lạ này – Bạn đã biết chưa?
- Vaccine COVID-19 có cần tiêm mũi thứ 3 tăng cường ngay bây giờ?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/vaccine-covid-19-cho-tre-em/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét