Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Tên các địa danh du lịch nổi tiếng ở Lào Cai ẩn chứa ý nghĩa rất thú vị, bạn đã biết chưa?

Đi du lịch nhiều thế nhưng bạn đã biết ý nghĩa tên các địa danh nổi tiếng ở Lào Cai chưa? Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao Sapa lại có tên là Sapa nhỉ? Tại sao lại là Đèo Ô Quy Hồ, huyện Si Ma Cai? Tên các địa danh du lịch nổi tiếng của Lào Cai hầu hết cũng đều được phiên âm từ tiếng dân tộc bản địa, mang nét đặc trưng riêng biệt của miền phố núi hùng vĩ và cũng không kém phần bí ẩn. Để chúng mình giúp bạn tổng hợp thông tin nhé!

1. Lào Cai

Lào Cai là một trong những tỉnh miền núi miền Tây Bắc của Việt Nam, địa hình đồi núi hùng vĩ và là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em. Chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 300km, đây là địa điểm thu hút khách du lịch bậc nhất ở miền Bắc.

Lào Cai nổi tiếng với nền văn hóa dân tộc đặc sắc và là điểm mạnh về du lịch (Ảnh: IG callmetaliu và loc_ptran).
Lào Cai nổi tiếng với nền văn hóa dân tộc đặc sắc và là điểm mạnh về du lịch (Ảnh: IG callmetaliu và loc_ptran).

Theo cổng thông tin điện tử Lào Cai, sở dĩ có tên gọi Lào Cai là được biến âm từ Lão Nhai. Xưa kia vùng đất này là nơi tập trung buôn bán, mở phố chợ. Lão Nhai trong tiếng địa phương có nghĩa là “Phố Cũ”, sau này mở thêm một phố chợ nữa gọi là “Tân Nhai”, tức là “Phố mới” để phân biệt hai khu.

Một thời gian dài, Lào Cai được gọi là Lao Cai và Lào Kay (theo phiên âm của người Pháp khi làm bản đồ). Từ khi được chính thức giải phóng vào tháng 11/1950, tên gọi Lào Cai được thống nhất sử dụng cho đến ngày nay.

2. Thị trấn Sa Pa (Sapa)

Theo tiếng H’Mông của người dân bản địa định cư lâu đời trên mảnh đất huyền thoại này, Sa Pa là cách đọc biến âm từ “Sa pả”, trong tiếng H’Mông có nghĩa là “Bãi cát”. Sở dĩ gọi nơi đây là “Bãi cát” bởi trước đây khi thị trấn chưa thành lập, dân cư chưa đông đúc như bây giờ thì người dân địa phương thường họp chợ tại bãi cát rộng lớn.

Bản Ý Linh Hồ, xã San Sả Hồ, thị trấn Sapa (Ảnh: Internet).
Bản Ý Linh Hồ, xã San Sả Hồ, thị trấn Sapa (Ảnh: Internet).

Thời thuộc địa, khi người Pháp tới đây, Sa Pa từng có tên trên bản đồ Pháp là “Chapa”. Sau đó theo cách phát âm không dấu, Sa Pả viết thành Sa Pa và đây cũng là tên địa danh chính thức cho mảnh đất này từ năm 1945.

Hầu hết các địa danh quanh khu vực thị trấn cũng đều có tên bắt nguồn từ tiếng H’Mông như Suối Thầu, Tả Giàng Phình, Lao Chải, San Sả Hồ… Trung tâm thị trấn cũng có một phường mang tên Sa Pả, theo nguyên bản tên của Sa Pa ban đầu.

Những homesaty hòa mình cùng thiên nhiên núi rừng tại Sapa thu hút rất đông du khách (Ảnh: Topas Ecolodge).
Những homesaty hòa mình cùng thiên nhiên núi rừng tại Sapa thu hút rất đông du khách (Ảnh: Topas Ecolodge).

Tham khảo thông tin đặt phòng tại homestay và khách sạn tại Sapa trên AgodaBooking

3. Núi Hàm Rồng

Núi Hàm Rồng là một trong số những quần thể núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Vị trí nằm ngay gần trung tâm thị trấn Sapa, cách nhà thờ đá cổ khoảng vài trăm mét nên nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.

Đường lên núi Hàm Rồng (Ảnh: IG n_____2.5).
Đường lên núi Hàm Rồng (Ảnh: IG n_____2.5).

Sở dĩ có cái tên là “Hàm Rồng” bởi hình dáng giống như một chú rồng đang nằm gác đuôi lên cổng trời, phần đầu có “hàm răng khổng lồ” hướng về phía đỉnh Hoàng Liên Sơn đại ngàn theo sự tích về ba anh em nhà Rồng.

Một truyền thuyết nữa gắn liền với tình yêu được người dân nơi đây lưu giữ về núi Hàm Rồng và kể cho du khách bốn phương. Xa xưa trước kia, vùng núi non hùng vĩ nơi đây có một cặp rồng sống cùng nhau hạnh phúc. Một năm, bỗng nhiên có một trận đại hồng thủy bất ngờ ập đến cuốn trôi chú rồng đực, rồng cái vì thương nhớ nên chỉ quanh quẩn nơi đây đợi chờ và hóa đá.

4. Bản Cát Cát

Bản Cát Cát thuộc xã Sả Hồ, là một trong những bản làng đẹp nhất tại Sapa. Nơi đây nổi tiếng với nghề dệt và sản vật du lịch tinh xảo của người dân tộc H’Mông.

Lang thang bản Cát Cát như cô gái dân tộc giữa bạt ngàn thổ cẩm và những căn nhà gỗ (Ảnh: Internet).
Lang thang bản Cát Cát như cô gái dân tộc giữa bạt ngàn thổ cẩm và những căn nhà gỗ (Ảnh: Internet).

Tên gọi Cát Cát có từ thời Pháp thuộc. Ban đầu người Pháp xây dựng đây là nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao của họ và gọi tên một thác nước trong bản là “Catscat”. Thời gian sau này bản được mở rộng hơn, cái tên “Catscat cũng dần chuyển thành Cát Cát cho dễ phát âm theo tiếng Việt.

5. Đỉnh Fansipan (Phan Xi Păng)

Cũng giống như Lào Cai và Sapa, cái tên Fansipan bắt nguồn từ tiếng Quan thoại. Tiếng bản địa “Hủa Xi Pan” có nghĩa là “Tảng đá khổng lồ chênh vênh”. Theo nghiên cứu của Viện địa chất Việt Nam, toàn bộ phần đỉnh núi của nóc nhà Đông Dương là một khối đá hoa cương kỳ vĩ khổng lồ được hình thành hơn 250 triệu năm về trước từ trong lòng đất. Fansipan là cách đọc chệch từ tiếng địa phương “Hủa Xi Pan”.

Checkin Nóc nhà Đông Dương giữa biển mây kỳ ảo (Ảnh: Internet).
Checkin Nóc nhà Đông Dương giữa biển mây kỳ ảo (Ảnh: Internet).

Cũng có một số ý kiến cho rằng Fansipan trong tiếng H’Mông có nghĩa là “Hoa đỗ quyên” nên được đặt tên cho đỉnh núi huyền thoại này. Sở dĩ vậy nơi đây chính là xứ sở của hoa đỗ quyên. Cả một vùng hồng tím sắc hoa bạt ngàn huyền ảo trên đỉnh Hoàng Liên Sơn như nàng thơ giữa núi rừng hùng vĩ. Mặc dù chưa có tư liệu nào công nhận chính thức nhưng cách hiểu này cũng rất huyền thoại đúng không nào!

Fansipan (Phan Xi Păng) được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương với chiều cao 3.143m (Ảnh: Internet).
Fansipan (Phan Xi Păng) được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương với chiều cao 3.143m (Ảnh: Internet).

6. Huyện Bắc Hà

Cao nguyên Bắc Hà mùa hoa mơ hoa mận phủ trắng những triền đồi như tuyết. Can rượu ngô ấm nồng vùng biên ải hay những phiên chợ vùng cao với sặc sỡ sắc màu thổ cẩm của người dân bản địa hút hồn bao khách du lịch.

Thổ cẩm, chợ phiên, rượu ngô Bắc Hà - Bạn đã lần nào trải nghiệm chưa? (Ảnh: Internet).
Thổ cẩm, chợ phiên, rượu ngô Bắc Hà – Bạn đã lần nào trải nghiệm chưa? (Ảnh: Internet).

Cái tên Bắc Hà bắt nguồn từ tiếng của người dân tộc Tày bản địa nơi đây. Tiếng Tày “Pạc kha” có nghĩa là “trăm bó gianh”. Truyền thuyết kể lại rằng, trên núi Ba mẹ con (tên một đỉnh núi tại Bắc Hà) có rất nhiều các loại ong. Muốn đi qua đây người dân phải mang theo bó gianh để đốt lửa đuổi ong đi. Vì núi rất rộng lớn nên phải mang bó gianh thật lớn, nhiều như “trăm bó gianh” mới có thể đi qua được.

Thời Pháp thuộc, Bắc Hà đã từng có tên phiên âm là Pakha. Tuy nhiên sau đó cái tên Bắc Hà được thống nhất và là tên gọi chính cho đến ngày nay.

Cao nguyên mộng mơ Bắc Hà mùa hoa trắng (Ảnh: Internet).
Cao nguyên mộng mơ Bắc Hà mùa hoa trắng (Ảnh: Internet).

Một số địa danh khác tại Bắc Hà cũng đều bắt nguồn từ phiên âm từ tiếng bản địa. Như Thải Giàng Phố có nghĩa là Núi mặt trời mọc, Tà Chải có nghĩa là Làng lớn, Bản phố có nghĩa là Bản nằm trên lưng chừng một con dốc. Thật thú vị phải không ạ!

7. Huyện Bát Xát

Nếu bạn là dân đam mê du lịch bụi, chắc hẳn đã từng biết đến Y Tý, Nhìu Cồ San, làng dân tộc người Giáy… Đây là những địa danh du lịch nổi tiếng thuộc huyện Bát Xát, phía Tây Bắc Lào Cai. Theo tiếng dân tộc Giáy, Bát Xát là phiên âm của “Pạc srạt”, có nghĩa là “Miệng thác” hoặc “Một trăm tấm cót”, miêu tả địa hình rộng lớn, hiểm trở nơi đây.

Biển mây Y Tý là một trong những cung đường phượt nhất định phải đến của dân du lịch bụi (Ảnh: Internet).
Biển mây Y Tý là một trong những cung đường phượt nhất định phải đến của dân du lịch bụi (Ảnh: Internet).

Bát Xát là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em như người Giáy, Hà Nhì, Dao Đỏ. Đây cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng với những trải nghiệm như săn mây Y Tý hay ngắm những thửa ruộng bậc thang vàng ươm vào mùa lúa mới.

Ngải Thầu mùa vàng huyền ảo (Ảnh: Internet).
Ngải Thầu mùa vàng huyền ảo (Ảnh: Internet).

8. Huyện Si Ma Cai

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Si Ma Cai là một trong những vùng đất cổ nhất Việt Nam. Cái tên Si Ma Cai có lẽ cũng là tên địa danh nghe huyền bí và có nét hoang sơ nhất trong số các địa danh ở Lào Cai.

Cô nàng thôn nữ Si Ma Cai với vẻ đẹp hoang sơ chưa vướng bụi trần (Ảnh: Internet).
Cô nàng thôn nữ Si Ma Cai với vẻ đẹp hoang sơ chưa vướng bụi trần (Ảnh: Internet).

Theo tiếng H’Mông, Si Ma Cai phát âm đúng là “Xênh Mùa Ca”, nghĩa là “Chợ ngựa mới” hay cũng có cách hiểu là “Chợ có con ngựa lạ”. Tên gốc của huyện ban đầu là Sin Ma Cai, thời anh hùng Giàng Lao Pà làm chủ tịch huyện cũng dùng Sin Ma Cai là tên chính. Theo thời gian, cũng không rõ lý do vì đâu mà cách phát âm chệch đi và đến thời điểm hiện tại, Si Ma Cai là tên chính thức trên bản đồ địa giới.

Không chỉ có Si Ma Cai là tên địa danh có tính huyền hoặc hoang sơ, nơi đây còn rất nhiều những Quan Thần Sán, Sán Chải, Sín Chéng, Nàn Sán… Những địa danh mà người dân bản địa gắn liền với không gian núi rừng hùng vĩ đặt tên.

Người dân tộc vùng cao với nụ cười hào sảng và hiếu khách luôn chào đón khách du lịch (Ảnh: IG thelifeofl3).
Người dân tộc vùng cao với nụ cười hào sảng và hiếu khách luôn chào đón khách du lịch (Ảnh: IG thelifeofl3).

Mỗi cái tên của một địa danh đều mang trong mình những ý nghĩa nhất định. Hành trình khám phá du lịch, văn hóa của một vùng đất mới sẽ mang đến cho chúng mình thật nhiều những trải nghiệm tuyệt vời của tuổi trẻ. Hãy chia sẻ với BlogAnChoi những chuyến xê dịch thú vị của bạn nhé. Chúng mình sẽ luôn đồng hành cùng bạn!

Một số bài viết cùng chủ đề dành cho bạn:



source https://bloganchoi.com/y-nghia-ten-cac-dia-danh-du-lich-noi-tieng-o-lao-cai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét