Tôi chợt nghĩ, nếu coi những luồng thông tin mà chúng ta tiếp cận hàng ngày như là vi khuẩn. Chúng ta đều biết con người không thể tồn tại nếu như không có sự tồn tại của vi khuẩn. Một số chúng có hại, nhưng một số chúng lại có lợi, đặc biệt lại là nhân tố cần thiết để bào chế ra kháng sinh. Nếu đã không thể “tiêu diệt” toàn bộ, hãy biến chúng thành liều kháng sinh cho chính mình, và học cách sống chung với “vi khuẩn”.
Chuyện lên mạng đọc tin mỗi ngày
Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi và chắc hẳn không chỉ riêng tôi, nhiều người khác cũng vậy, việc đầu tiên sẽ là với tay lấy điện thoại, xem giờ và tiện tay lướt lướt đọc những tin tức. Dù đó là thói quen không được lành mạnh, nhưng dường như lại đã trở thành một “phản xạ” của đa số những con người đang sống ở thời đại này. Nhất là trong thời kỳ giãn cách, hạn chế ra đường, không được tụ tập… thì chiếc điện thoại giống như cầu nối để chúng ta cập nhật được những gì đang xảy ra ở ngoài kia.
Có câu nói vui rằng, chỉ cần bỏ điện thoại xuống chừng 5 đến 10 phút cũng có thể biến chúng ta thành người tối cổ, vì những “chiếc” drama nổ ra với vận tốc ánh sáng. Hay thậm chí, chỉ một động tác kéo xuống để làm mới trang Facebook cũng đủ để ta ngỡ ngàng với những tin nóng, sốt, shock, khẩn… liên tục được cập nhật.
Có một điều hay khi “chơi” mạng xã hội, đó là ta có thể tự do chọn hay đơn giản là bấm like hoặc dislike những trang thông tin mà chúng ta muốn tiếp cận hoặc không. Nhưng bạn có nhận ra, sự lựa chọn đó, bây giờ không còn hữu dụng nhiều nữa, khi gần như tất cả không gian mạng xã hội đều xuất hiện những thông tin giống nhau. Vậy nên, đôi khi chúng ta “phải đón nhận” những tin tức tiêu cực, những drama, những “biến căng”… trong một tâm thế thụ động.
“Có quá nhiều điều tiêu cực trên mạng xã hội mỗi ngày”, không phải một mà nhiều lần những dòng cảm thán như thế xuất hiện trên Facebook. Một câu chuyện lừa tình, lừa tiền có thể đến từ một post “bóc phốt” của nhân vật A, B, C, D… trên group nào đó rồi lan nhanh theo những lượt like, những nút share, những dòng tag… Chủ nhân của câu chuyện, nội dung của câu chuyện có phải là người thật việc thật hay không, không quan trọng bằng độ kịch tính mà nó mang lại. Một dòng comment vu vơ rằng “biết phốt của ngôi sao A, B, C, D…” cũng ngay lập tức được hàng trăm hàng nghìn người like và “chấm hóng”.
Vậy, xã hội bây giờ chỉ toàn điều xấu, điều tiêu cực hay không? Không phải, rất may là không phải như vậy. Có nghìn điều xấu thì cũng có vạn điều tốt xảy ra hàng ngày. Chỉ tiếc một điều, có vẻ con người “mẫn cảm” với những tin “nóng” hơn. Nỗ lực để truyền tải những thông điệp, những câu chuyện tích cực cũng vì thế mà khó khăn hơn. Đọc một câu chuyện drama cũng giống như xem một bộ phim, càng nhiều những tình tiết giật gân, những twist không ai ngờ tới được hé lộ từ từ, bao giờ cũng dễ thu hút và được “nhớ” lâu hơn.
Có phải vì thế mà đã xuất hiện những tin tức giả với cái mác “những câu chuyện tử tế”, gần nhất chắc ai cũng biết câu chuyện “bác sĩ rút máy thở của người nhà để nhường cho bệnh nhân”, phải không? Câu chuyện lấy đi nước mắt của bao nhiêu người trong đêm đó, lại là một tin giả. Sau một đêm, tình thương của con người, của xã hội, lan tỏa sự nhân văn, tích cực bỗng khiến mọi người đều phẫn nộ.
Rồi câu chuyện những người nổi tiếng kêu gọi từ thiện, bỗng một ngày tên tuổi bị réo trên những trang mạng là “ăn chặn, không minh bạch…” Dù chưa biết là thật hay giả, nhưng chuyện tốt hóa thành chuyện xấu, thật sự khiến công chúng mất lòng tin.
Học cách sống chung với “vi khuẩn” thông tin
“Có những ngày thật tệ khi mình biết đọc chữ”, đó có thể là lời cảm thán của một người hâm mộ khi thấy thần tượng của mình bị “bóc phốt”. Nhưng đó cũng là cảm giác bất lực của nhiều người khi những ngày ở nhà giãn cách này phải “hít” quá nhiều drama không hồi kết.
Không thể phủ nhận sức mạnh cũng như vai trò quan trọng của truyền thông trong đời sống hàng ngày. Chúng ta cũng không thể và cũng không nên vì những luồng thông tin tiêu cực mà “tuyệt giao”, không cập nhật tin tức hàng ngày. Bởi nó vẫn sẽ luôn là hai mặt của cuộc sống, của thời đại. Không phải chỉ thời nay mới có những “biến”, những “phốt”, những câu chuyện truyền miệng, tam sao thất bản, thật giả lẫn lộn. Chúng vẫn luôn tồn tại, dù ở bất kỳ thời nào. Cái lợi, cũng là cái hại của thời nay, là chúng ta có công cụ để truyền tải những điều đó.
Tôi chợt nghĩ, nếu coi những luồng thông tin mà chúng ta tiếp cận hàng ngày như là vi khuẩn. Chúng ta đều biết con người không thể tồn tại nếu như không có sự tồn tại của vi khuẩn. Một số chúng có hại, nhưng một số chúng lại có lợi, đặc biệt nó là nhân tố cần thiết để bào chế ra kháng sinh. Nếu đã không thể “tiêu diệt” toàn bộ, hãy biến chúng thành liều kháng sinh cho chính mình, và học cách sống chung với “vi khuẩn”.
Không phải tất cả những tin tiêu cực là tin giả, trong số đó có rất nhiều điều là sự thật và cần được phơi bày trước công chúng. Cái chúng ta cần, chính là tạo cho mình một nhận thức tỉnh táo, lý trí để sống chung với chúng. Đó là cách để con người và xã hội phát triển, phát triển một cách “khỏe mạnh” và an toàn.
source https://bloganchoi.com/len-mang-doc-tin-moi-ngay-khi-chung-ta-phai-song-chung-voi-vi-khuan/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét