Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Sự khác biệt giữa Cryptojacking và Ransomware – Hai kiểu tấn công mạng rất phổ biến và nguy hiểm hiện nay

Cả cryptojacking và ransomware đều là những mối đe dọa nguy hiểm đối với an ninh mạng, nhưng chúng khác nhau như thế nào? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!

Cryptojacking và ransomware có nghĩa là gì?

Cryptojacking và ransomware là hai thuật ngữ thông dụng mà bạn có thể đã bắt gặp liên quan đến các mối đe dọa an ninh mạng.

Cryptojacking là hoạt động khai thác tiền điện tử bất hợp pháp trên máy chủ web hoặc máy tính bị tấn công. Mặc dù khai thác tiền điện tử không hẳn là bất hợp pháp, nhưng kỹ thuật khai thác của kẻ tấn công mà không có quyền truy cập vào thiết bị hoặc máy chủ của bạn được gọi là cryptojacking.

Sự khác biệt giữa Cryptojacking và Ransomware (Ảnh: Internet).
Sự khác biệt giữa Cryptojacking và Ransomware (Ảnh: Internet).

Ransomware là một loại virus hoặc phần mềm độc hại có khả năng khóa các dữ liệu trên máy tính bị tấn công và yêu cầu bạn trả tiền chuộc để mở khóa thì mới cấp lại quyền truy cập vào dữ liệu.

Cả hai hình thức này ngày càng trở thành mối quan tâm trên không gian mạng, đặc biệt là khi tính đến những thiệt hại khổng lồ của chúng tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cryptojacking và ransomware gây hại bằng cách nào?

Ransomware chỉ có thể tấn công nếu bạn tải một file độc hại xuống máy tính của mình và tương tác với nó. File độc hại có chứa mã độc sẽ “hành động” ngay khi người dùng bắt đầu tương tác. Lúc đó bạn sẽ phát hiện một số dữ liệu hoặc tất cả các dữ liệu của mình không thể truy cập được.

Một số file bị nhiễm ransomware sẽ bị mã hóa bằng các tên mở rộng (phần đuôi) rất lạ như 1txt, enc, xyz. Mỗi chủng ransomware đều khác nhau, vì vậy phần đuôi trong tên file cũng có thể khác nhau.

Đối với cryptojacking, máy tính cũng có thể bị ảnh hưởng theo cách tương tự khi bạn tải phần mềm độc hại về máy, nhưng cũng có thể tấn công mà không cần người dùng cài đặt bất kỳ phần mềm nào. Ví dụ như một trang web mà bạn truy cập thường xuyên có thể đang bị nhiễm mã độc khai thác tiền điện tử nhưng chưa phát hiện ra, và bạn cũng không kiểm soát được nó.

Ransomware và cryptojacking phổ biến đến mức nào?

Ransomware từng là vấn đề an ninh mạng phổ biến nhất trên phạm vi toàn cầu, nhưng trong năm 2021 cryptojacking đã vượt qua ransomware để trở thành lựa chọn ưu tiên của tin tặc. Tập đoàn Microsoft đã coi cryptojacking là mối đe dọa lớn nhất, vượt qua cả ransomware về mức độ “nổi tiếng”.

Sự phát triển của tiền điện tử kéo theo cryptojacking cũng tăng lên (Ảnh: Internet).
Sự phát triển của tiền điện tử kéo theo cryptojacking cũng tăng lên (Ảnh: Internet).

Ransomware và cryptojacking, cái nào gây nhiều thiệt hại hơn?

Ransomware là loại mã độc khóa những file quan trọng của bạn và có thể đánh cắp thông tin từ đó để rao bán trên mạng. Chúng thường đòi tiền chuộc thông qua bitcoin (BTC) vì đây là loại tiền ảo phổ biến và gần như không thể truy vết được. Vì vậy đôi lúc bạn sẽ khó mà trả tiền chuộc nếu không biết cách sử dụng tiền ảo và nguy cơ bị lộ thông tin nhạy cảm rất lớn.

Ransomware là loại mã độc khóa những file quan trọng của bạn và có thể đánh cắp thông tin từ đó để rao bán (Ảnh: Internet).
Ransomware là loại mã độc khóa những file quan trọng của bạn và có thể đánh cắp thông tin từ đó để rao bán (Ảnh: Internet).

Với cách thức như vậy, ransomware gây hại đến dữ liệu của người dùng và có khả năng bị đánh cắp dữ liệu.

Ngược lại, cryptojacking hoàn toàn không ảnh hưởng đến các file của bạn. Thay vào đó, nó ngốn tài nguyên hệ thống ở chế độ chạy nền. Cryptojacking sử dụng CPU của máy tính và khai thác tiền điện tử để gửi cho tin tặc. Nó cũng có thể làm cạn kiệt tài nguyên hệ thống của bạn và do đó làm gián đoạn các hoạt động bình thường.

Như vậy ransomware tập trung vào dữ liệu trong khi cryptojacking thì không. Nhưng cả hai đều có thể dẫn đến gián đoạn hoạt động mạng của cá nhân hoặc cả một hệ thống.

Có cách nào phát hiện ransomware và cryptojacking không?

Phát hiện sớm là cách tốt nhất để giảm bớt tác hại (Ảnh: Internet).
Phát hiện sớm là cách tốt nhất để giảm bớt tác hại (Ảnh: Internet).

Ransomware rất dễ bị phát hiện. Vì mục đích của kẻ tấn công là đòi tiền chuộc và khóa dữ liệu nên bạn sẽ phát hiện được chúng vì dữ liệu file bị thay đổi và xuất hiện yêu cầu đòi tiền chuộc.

Trái lại, mã độc cryptojacking hoặc một trang web chạy mã khai thác có thể không bị chú ý hoặc tìm cách để không gây chú ý. Đối với cryptojacking, bạn sẽ phải kiểm tra các phần mềm đang chạy nền hoặc các phần mềm đáng nghi nếu phát hiện hiệu suất hoạt động của máy tính hoặc máy chủ có vấn đề.

“Phần thưởng” cho tin tặc là gì?

Nhìn chung ransomware mang lại nguồn lợi nhiều hơn và nhanh hơn cho hacker. Nhưng ngày nay có nhiều nạn nhân từ chối trả tiền chuộc theo yêu cầu, vì thế ransomware không còn hiệu quả như trước nữa. Nó vẫn là mối đe dọa an ninh mạng nguy hiểm không thể xem thường, nhưng nhiều công ty và các tổ chức, cá nhân đã có phương án dự phòng để chống lại.

Nhiều người quyết định không trả tiền chuộc cho ransomware (Ảnh: Internet).
Nhiều người quyết định không trả tiền chuộc cho ransomware (Ảnh: Internet).

Mặc dù tội phạm mạng vẫn có thể kiếm tiền bằng ransomware, nhưng chúng phải bỏ ra nhiều “nỗ lực” hơn so với với lợi nhuận có thể nhận được. Ngược lại, cryptojacking dễ dàng hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn về lâu dài, vì tiền điện tử hiện đang có tương lai đầy hứa hẹn.

Cryptojacking dễ dàng hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn về lâu dài (Ảnh: Internet).
Cryptojacking dễ dàng hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn về lâu dài (Ảnh: Internet).

Không chỉ mang lại nguồn lợi lớn so với nỗ lực bỏ ra mà cryptojacking còn khó bị phát hiện hơn, vì vậy hiệu quả của nó về mặt kinh tế lớn hơn nhiều so với ransomware.

Ransomware và cryptojacking, cái nào dễ gỡ hơn?

Mặc dù cryptojacking khó phát hiện hơn, nhưng cũng dễ loại bỏ hơn: bạn phải xác định được mã độc trong trang web hoặc phần mềm, sau đó dừng chạy và gỡ cài đặt nó.

Cryptojacking dễ loại bỏ hơn (Ảnh: Internet).
Cryptojacking dễ loại bỏ hơn (Ảnh: Internet).

Ngược lại, đối với ransomware, trừ khi bạn có key giải mã, nếu không thì phải cài đặt lại toàn bộ hệ thống, và quá trình này sẽ khiến bạn bị mất dữ liệu hoàn toàn. Đối với những ai đang có ý định trả tiền chuộc thì hãy cẩn thận vì không có gì đảm bảo rằng tin tặc sẽ trả lại dữ liệu hoặc giữ lời hứa không phát tán thông tin cá nhân.

Mặc dù cách tốt nhất là cài đặt lại toàn bộ hệ thống khi bị nhiễm một trong hai thứ, nhưng rất khó để khôi phục dữ liệu nguyên vẹn sau khi bị ransomware tấn công.

Ransomware và cryptojacking, cái nào nguy hiểm hơn?

Cryptojacking mang lại nguồn lợi lớn hơn cho tin tặc, nhưng nó có thể không ảnh hưởng đến dữ liệu của nạn nhân. Tuy nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến phần cứng của máy nếu liên tục ngốn tài nguyên hệ thống, điều này có thể dẫn đến lỗi hệ thống và cũng có thể gây mất dữ liệu.

Cryptojacking có thể gây mất dữ liệu một cách gián tiếp (Ảnh: Internet).
Cryptojacking có thể gây mất dữ liệu một cách gián tiếp (Ảnh: Internet).

Trong khi đó ransomware có thể trực tiếp làm mất hoặc rò rỉ dữ liệu, nhưng nó không ảnh hưởng đến phần cứng. Nếu dữ liệu bị lộ hoặc bị bán trên mạng, hacker sẽ biết nhiều hơn về bạn để lôi kéo bạn vào các cuộc tấn công độc hại một cách dễ dàng.

Cách bảo vệ bản thân khỏi ransomware và cryptojacking

Để bảo vệ dữ liệu khỏi ransomware, bạn cần chủ động theo dõi những thứ đã tải xuống và tương tác, đặc biệt là khi cài đặt phần mềm.

Đối với cryptojacking, việc phòng tránh có thể sẽ khó khăn nếu bạn không biết những trang web nào mình đã truy cập có chứa mã độc. Nhưng nếu bạn tìm trong mục quản lý tác vụ và các ứng dụng chạy ngầm khi sử dụng máy tính thì có thể phát hiện ra mã độc chạy ngầm chiếm nhiều tài nguyên hơn bình thường.

Các phần mềm antivirus cũng khá hữu ích để chống lại mã độc, nhưng dù có chúng hay không thì bạn vẫn phải cảnh giác cao đối với các tài nguyên trên mạng để tránh bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cuộc tấn công nguy hiểm nào.

Nhớ theo dõi BlogAnChoi để nhận thêm những tin tức mới về công nghệ nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:



source https://bloganchoi.com/su-khac-biet-giua-cryptojacking-va-ransomware-hai-kieu-tan-cong-mang-rat-pho-bien-va-nguy-hiem-hien-nay/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét