Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái là thứ tình cảm thiêng liêng máu mủ, cha mẹ là người đẻ ra con cái và con cái cũng chính là người sinh ra cha mẹ. Bài viết này, BlogAnChoi sẽ trình bày về những phong tục Việt Nam xưa liên quan đến quá trình mang thai và sinh nở.
Phong tục và kiêng kỵ liên quan đến quá trình mang thai
Sinh con là việc hệ trọng, vậy nên sau ngày cưới họ hàng khi gặp thường thăm hỏi đôi vợ chồng mới cưới là đã có tin mừng hay chưa? Như vậy, việc có con là tin mừng không chỉ riêng đối với đôi vợ chồng mà còn là việc quan trọng của cả họ.
Phong tục Việt Nam quan niệm phụ nữ có thai phải năng vận động, kiêng ăn nhiều chất bổ vì sợ thai lớn khó sinh, nai nịt bụng cho thai không quá lớn kẻo khó sinh. Thai phụ phải kiêng ăn trái cây sinh đôi để tránh song thai, kiêng ăn cua để tránh sinh ngang, kiêng ăn sò, ốc, hến, trai, để con không bị chảy nước rãi, không nên nổi nóng kẻo tránh sau này con học thói của mẹ.
Người có thai nên ăn nhiều trứng gà, đu đủ chín, uống nhiều nước dừa, để đứa trẻ có da dẻ trắng đẹp và hồng hào. Người mẹ nên giữ tinh thần vui vẻ, hòa nhã với mọi người, làm nhiều việc thiện, để con cái sau này sẽ trở thành người hiền lành, tốt bụng.
Phong tục và kiêng kỵ liên quan đến quá trình sinh nở
Người nào có mang quá chín tháng mười ngày mà chưa đẻ thì dân gian gọi là chửa trâu, trường hợp này người chồng sẽ lén tìm một con trâu và cắt đứt dây thừng sỏ mũi trâu, vợ sẽ mau đẻ. Một số nơi người ta lấy một chiếc cọc, đóng xuống chân chiếc cối giã gạo, cũng với quan niệm thai phụ sẽ chóng đẻ.
Nếu thai phụ khó đẻ, người chồng sẽ làm một số việc sau: cầm một chiếc đòn gánh đứng giữa cửa và lao đòn ra đường; trèo lên cây cau cao, ôm cây rồi tụt xuống; lật đít ông đầu rau giữa bếp và nhổ nước bọt vào; viết họ tên ông quan đầu tỉnh vào tờ giấy, đốt mảnh giấy dầm vào nước và đưa cho vợ uống, miệng nhẩm “đại nhân nhập, tiểu nhân xuất” (người lớn vào, đứa bé ra); cho thai phụ ăn cháo vừng để dễ đẻ.
Ngoài ra, nếu như thai phụ gặp khó khăn trong việc sinh con, người ta có thể mời thầy cúng để để thăm thai, cúng bái ma quỷ để mẹ tròn con vuông. Cùng với đó người ta sẽ mời một bà đỡ đến giúp việc sinh nở, đây là người đã có kinh nghiệm nên có thể xử lý nhanh chóng các tình huống khó trong quá trình sinh nở.
Nơi sinh thường là trong căn buồng của đôi vợ chồng. Người ta kiêng không đẻ ở nhà người khác, vì sợ cả gia chủ và sản phụ sẽ gặp xui xẻo. Đàn bà thường đẻ ở tư thế ngồi xổm hoặc nằm, tùy theo địa phương. Bên cạnh giường bà đẻ luôn có một chậu than, nhất là mùa đông, vừa để khử khuẩn vừa sưởi ấm sản phụ và thai nhi.
Người ta cắt rốn cho thai nhi bằng que nứa mỏng, sau đó chôn ở ngay cửa phòng hoặc tìm một nơi nào đó thật kín đáo. Tùy theo từng địa phương mà có quan niệm khác nhau về nơi chôn rau, tuy nhiên đa số đều quan niệm tránh chỗ giọt tranh để tránh đứa bé khỏi bị chốc đầu, toét mắt.
Sinh xong người nhà sẽ tắm cho đứa bé, nước tắm được đun với lá thơm. Sau đó người ta lấy những tấm vải mềm để quấn đứa trẻ.
Phong tục và kiêng kỵ sau khi sinh
Một số địa phương có tục buộc que củi cháy dở ở trước cổng để báo hiệu nhà có người mới đẻ, nếu là con trai thì đầu củi cháy hướng vào nhà, còn con gái thì đầu cháy hướng ra ngoài. Có nơi lại cắm một cành cây ở ngay trước cửa, bên trái là con gái và bên phải là con trai.
Sau khi sinh do sức khỏe còn yếu, sản phụ phải kiêng gió, đốt than để sưởi ấm, xông phòng để khử uế khí. Người mẹ chỉ ăn cơm với muối trắng, vài ba ngày sau thì ăn thịt nạc heo, ăn thịt gà. Tuyệt đối tránh ăn những món lạnh, đồ uế tạp. Đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, lớn đôi chút thì ăn cháo.
Trên đây là những phong tục của người Việt xưa liên quan đến quá trình mang thai và sinh nở, kỳ tới BlogAnChoi sẽ trình bày những tín ngưỡng liên quan đến quá trình mang thai và sinh nở, mời các bạn đón đọc.
Một số bài viết cùng chuyên đề:
- Những truyền thống, phong tục làm nên “hồn” Tết: Dù bận rộn tới đâu cũng đừng quên nhé!
- Luật lệ trên bàn ăn: 40 quy tắc ăn cơm của người Việt, bạn thực hiện đủ chưa?
- 12 phong tục ngày Tết cổ truyền cực kỳ đặc sắc và ý nghĩa
Tài liệu tham khảo:
- Nhất Thanh (1968), Đất lề quê thói, Nxb. Đại Nam.
- Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb. Văn học.
Các bạn hãy theo dõi mục mục Giải trí của BlogAnChoi để đón đọc những bài viết thú vị về phong tục Việt Nam xưa nhé.
source https://bloganchoi.com/phong-tuc-viet-nam-xua-mang-thai-va-sinh-no/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét