Tết Trung thu là một trong những lễ tết quan trọng của người Việt Nam. Tết Trung Thu được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 theo âm lịch, là thời điểm trăng tròn và to nhất trong năm. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá Trung thu xưa gồm có những gì nhé!
Nguồn gốc của Tết Trung thu
Tết Trung thu thường diễn ra vào đêm rằm tháng Tám âm lịch hằng năm, vào độ khi trăng tròn nhất, to nhất và sáng nhất. Tết Trung thu cũng có tên gọi khác là “tết Trông trăng” hay “tết Trẻ con”. Trăng đêm rằm tháng Tám là to nhất, sáng nhất so với trăng rằm các tháng khác trong năm.
Theo tục truyền thì vua Đường Minh Hoàng vào một đêm rằm tháng Tám đã nằm mơ thấy đạo sĩ đưa mình lên tận cung trăng dạo chơi, chìm đắm trong khung cảnh thần tiên và các nàng tiên nữ đang múa khúc Nghê thường. Tan giấc mơ, vua tiếc nuối cảnh ở cung trăng bèn đặt ra tết Trung thu để ngắm trăng và soạn ra vũ khúc Nghê thường.
Lễ vật tết Trung thu xưa
Theo truyền thống xưa, một mâm cỗ Trung thu đúng chuẩn phải có đủ các loại hoa quả trái cây theo mùa như na, cam, quýt,… Trái hồng đỏ tượng trưng cho hy vọng, trái na tượng trưng cho sự sinh sôi, trái bưởi mang những điều tốt lành, trái lựu ẩn chứa sự ngọt ngào và may mắn,…
Bên cạnh những món ngọt để trẻ em phá cỗ còn có một số món mặn để người lớn nhâm nhi cùng với rượu để thưởng trăng như là gỏi cá, giò ốc. Món giò ốc được làm từ ốc nhồi lá gừng cùng giò sống hấp lên hay người xưa còn gọi là “ăn ốc trông trăng”.
Một món ăn không thể thiếu trong lễ tết Trung thu là món bánh nướng và bánh dẻo. Bánh Trung thu cổ truyền nhân bánh chỉ có nhân hạt sen và một lòng đỏ trứng muối theo truyền thuyết thời nhà Nguyên (Trung Quốc) hay còn gọi là bánh Trung thu Nguyệt Bính.
Bên cạnh những lễ vật để phá cỗ đêm rằm, người xưa còn tổ chức lễ rước rồng, múa lân, long tranh chầu,… với những điệu múa nhạc trống vui vẻ huyên náo. Nhiều nhà còn đốt pháo mừng khi đám rước đi qua. Trẻ em cũng có những cuộc rước đèn với những hình thù khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là đèn ông sao năm cánh và đèn kéo quân. Bên cạnh đó nhiều gia đình còn bày cỗ riêng cho trẻ em, trên đó thường có ông tiến sĩ giấy để ước mong trẻ em lớn lên đỗ đạt. Các em chơi cỗ trông trăng đến khuya rồi cùng nhau phá cỗ.
Và có lẽ nhiều người chưa biết tới một món đồ chơi truyền thống trong lễ tết Trung thu của người Việt đó là “con giống bột” hay ngày nay còn được gọi là tò he.
Ý nghĩa tết Trung thu
Tết Trung thu mang một ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, bởi nó mang trong mình bao giá trị truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước để lại cho thế hệ sau. Ngày nay vào lễ tết này, nhiều tập tục đã thay đổi cũng như nhiều giá trị xưa đang dần biến mất. Tuy có nhiều yếu tố hiện đại tác động nhưng đâu đó vẫn không thể thiếu những nét truyền thống vốn có vẫn đang được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Tết Trung thu không chỉ là dịp trẻ em vui chơi phá cỗ mà người lớn cũng nhân dịp này gửi quà biếu cha mẹ, người thân như bánh Trung thu, chuối, quả hồng, cốm vòng để thể hiện lòng hiếu thảo và tình thân.
Những giai điệu vui tươi, sôi động qua từng câu hát được cất lên bởi bao lớp thế hệ như là món quà đầy ý nghĩa trong dịp tết đoàn viên này: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường,…”
Một số bài viết cùng chủ đề:
- Mách nàng 5 item cực hot để phối đồ đi chơi Trung Thu cùng “gấu”
- Khi Gucci, LV, Hermès làm bánh trung thu: Đẹp, độc, dị đều có đủ!
- Cách làm bánh trung thu dẻo lạnh vị trà đào cực mới lạ
- 10 món quà tặng trung thu ý nghĩa dành tặng những người thân yêu
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/kham-pha-tet-trung-thu-xua-cai-tet-doan-vien-am-cung-ben-gia-dinh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét