Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Chỉ số khối cơ thể (BMI) có thật sự dự đoán chính xác về sức khỏe của mỗi người không?

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một trong những công cụ đánh giá sức khỏe phổ biến nhất trên thế giới và được xem là tiêu chuẩn ở hầu hết các cơ sở y tế hiện nay. Nhưng liệu nó có thật sự chính xác và đáng tin cậy?

Mặc dù đã được sử dụng suốt hàng chục năm qua với vai trò là thước đo sức khỏe của cơ thể, nhưng BMI cũng bị nhiều chuyên gia nghi ngờ vì cách tính của nó đã đơn giản hóa bản chất của sức khỏe, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến sai lầm.

Những người muốn giảm cân chắc chắn phải quan tâm tới BMI (Ảnh: Internet).
Những người muốn giảm cân chắc chắn phải quan tâm tới BMI (Ảnh: Internet).

Trên thực tế, nhiều chuyên gia tuyên bố rằng BMI đã lỗi thời, không chính xác và không nên tiếp tục sử dụng trong các cơ sở y tế hay thể dục thể thao.

Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả những điều cần biết về BMI, lịch sử ra đời của nó, liệu nó có phải là chỉ số dự đoán chính xác về sức khỏe hay không, và có những công cụ nào chính xác hơn để thay thế.

BMI là gì?

BMI là viết tắt của “chỉ số khối cơ thể” (body mass index). Khái niệm này được đưa ra vào năm 1832 bởi nhà toán học người Bỉ Lambert Adolphe Jacques Quetelet. Ông đã xây dựng thang đo để tính nhanh tình trạng thừa cân béo phì của cộng đồng nhằm giúp các cơ quan nhà nước tính toán phân bổ nguồn lực y tế và tài chính một cách hợp lý.

BMI dùng để đánh giá thừa cân béo phì (Ảnh: Internet).
BMI dùng để đánh giá thừa cân béo phì (Ảnh: Internet).

Điều đáng chú ý là chính Quetelet đã nói rằng không nên áp dụng BMI lên từng cá nhân đơn lẻ, mà thực ra nó là công cụ để đánh giá chung về sức khỏe tổng thể của một nhóm người. Tuy nhiên hiện nay BMI lại được sử dụng rộng rãi để đánh giá sức khỏe của cá nhân.

Cách tính chỉ số này rất đơn giản: lấy cân nặng của một người (theo kg) chia cho chiều cao của người đó (theo mét) bình phương:

BMI = cân nặng / (chiều cao x chiều cao)

Cách tính chỉ số BMI (Ảnh: Internet).
Cách tính chỉ số BMI (Ảnh: Internet).

Ở nhiều nước sử dụng đơn vị đo khác, BMI có thể được tính bằng cách lấy trọng lượng theo pound chia cho chiều cao theo inch bình phương, tất cả nhân với 703:

BMI = (cân nặng / (chiều cao x chiều cao)) x 703

Hiện nay có rất nhiều ứng dụng và trang web tính BMI tự động, chỉ cần nhập chiều cao và cân nặng vào là sẽ nhận được kết quả trong chớp mắt.

Sau khi tính toán, kết quả sẽ được đối chiếu với thang đo BMI chuẩn để xác định xem cân nặng của người đó có “bình thường” hay không. Từ đánh giá đó, bác sĩ hoặc người chăm sóc sức khỏe có thể tư vấn thay đổi lối sống hoặc thăm khám kỹ hơn nếu phát hiện cân nặng “không bình thường”.

Một số quốc gia và khu vực trên thế giới đã áp dụng BMI để nghiên cứu tình trạng sức khỏe trong dân số của mình. Ví dụ, mức BMI ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch của người châu Á được tính thấp hơn so với những chủng tộc khác.

BMI cho phép đánh giá nhanh về sức khỏe của một người dựa trên cân nặng so với chiều cao, nhưng không tính đến các yếu tố khác cũng quan trọng như độ tuổi, giới tính, chủng tộc, di truyền, lượng mỡ, lượng cơ và mật độ xương của cơ thể.

Phân loại BMI theo WHO (Ảnh: Internet).
Phân loại BMI theo WHO (Ảnh: Internet).

Tóm lại: Chỉ số khối cơ thể (BMI) là công cụ ước tính lượng mỡ trong cơ thể dựa theo chiều cao và cân nặng. BMI từ 18,5 đến 24,9 được coi là “bình thường” với ít nguy cơ cho sức khỏe, nếu cao hơn hoặc thấp hơn thì đều có nguy cơ mắc các vấn đề do thừa cân béo phì.

BMI có phải là công cụ tốt để đánh giá sức khỏe không?

Mặc dù có những lo ngại rằng BMI không nói lên được một người có thực sự khỏe mạnh hay không, nhưng hầu hết các nghiên cứu đã xác nhận nguy cơ mắc bệnh mãn tính và tử vong sớm tăng lên khi BMI thấp dưới 18,5 (nhóm “nhẹ cân”) hoặc trên 30,0 (nhóm “béo phì”).

Ví dụ, một nghiên cứu năm 2017 với 103.218 trường hợp tử vong cho thấy những người có BMI từ 30,0 trở lên có nguy cơ tử vong cao hơn 1,5–2,7 lần sau 30 năm theo dõi.

BMI giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh do thừa cân béo phì (Ảnh: Internet).
BMI giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh do thừa cân béo phì (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu khác cho thấy những người thuộc nhóm BMI “béo phì” có nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 20% ​​so với nhóm BMI “bình thường”.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng những người thuộc nhóm “thiếu cân” hoặc “béo phì nghiêm trọng” và “cực kỳ béo phì” có tuổi thọ ngắn hơn nhóm BMI “bình thường” trung bình là 6,7 năm và 3,7 năm.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng khi BMI vượt quá 30,0 sẽ bắt đầu làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính, chẳng hạn như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, khó thở, bệnh thận, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và các vấn đề về vận động. Đồng thời BMI giảm 5-10% có liên quan đến giảm tỷ lệ hội chứng chuyển hóa, bệnh tim và tiểu đường tuýp 2.

Thừa cân béo phì gây ra nhiều hậu quả xấu cho cơ thể (Ảnh: Internet).
Thừa cân béo phì gây ra nhiều hậu quả xấu cho cơ thể (Ảnh: Internet).

Những bằng chứng đó cho thấy các chuyên gia y tế có thể sử dụng BMI để dự đoán tổng quát về sức khỏe của một cá nhân. Tuy nhiên không nên coi đó là công cụ chẩn đoán duy nhất.

Tóm lại: Mặc dù BMI bị nghi ngờ vì đơn giản hóa quá mức nhưng hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy nó có khả năng dự đoán nguy cơ mắc bệnh mãn tính của một người, đặc biệt là nguy cơ tử vong sớm và hội chứng chuyển hóa.

Khuyết điểm của BMI

Mặc dù có bằng chứng rằng BMI thấp (dưới 18,5) và cao (từ 30 trở lên) làm tăng nguy cơ cho sức khỏe, nhưng có rất nhiều “điểm trừ” khi sử dụng nó trong thực tế.

BMI không xem xét các yếu tố sức khỏe khác

BMI chỉ cho biết cân nặng của một người có “bình thường” hay không mà không xét đến bối cảnh chung về độ tuổi, giới tính, di truyền, lối sống, tiền sử bệnh tật và các yếu tố khác.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh: Internet).
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh: Internet).

Nếu chỉ dựa vào một mình BMI, bác sĩ có thể bỏ quên mất các chỉ số quan trọng khác như cholesterol, lượng đường trong máu, nhịp tim, huyết áp, v.v. dẫn đến đánh giá sai lầm về sức khỏe thực sự của người bệnh.

Hơn nữa, nam giới và phụ nữ có cấu trúc cơ thể khác nhau – nam có nhiều cơ hơn và ít mỡ hơn so với nữ – nhưng BMI lại sử dụng cùng một công thức tính cho cả hai giới. Ngoài ra khi con người già đi thì cơ thể sẽ tăng mỡ và giảm cơ một cách tự nhiên. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng BMI cao hơn (từ 23,0 đến 29,9) ở người lớn tuổi là yếu tố bảo vệ khỏi tử vong sớm và bệnh tật.

Cuối cùng, BMI bỏ qua các khía cạnh khác như sức khỏe tinh thần và các yếu tố xã hội phức tạp, chẳng hạn như mức thu nhập, khả năng tiếp cận thực phẩm tốt, hay kỹ năng và kiến ​​thức của mỗi người về thực phẩm và môi trường sống.

Mỗi độ tuổi và giới tính nên có thang đo BMI riêng (Ảnh: Internet).
Mỗi độ tuổi và giới tính nên có thang đo BMI riêng (Ảnh: Internet).

BMI không quan tâm đến bản chất của cân nặng

Một kilôgam cơ tất nhiên nặng bằng một kilôgam mỡ, nhưng cơ bắp có mật độ dày hơn và ít làm tăng kích thước cơ thể hơn. Kết quả là một người có thể trông rất gầy nhưng có nhiều cơ và cân nặng lớn hơn so với chiều cao. Ví dụ một người nặng 97 kg và cao 1,75 m có chỉ số BMI là 29,5 sẽ được phân loại là “thừa cân”.

Hai người có cùng chiều cao và cân nặng trên thực tế có thể hoàn toàn khác nhau về mặt sức khỏe. Một người có thể là vận động viên thể hình với cơ bắp đồ sộ, trong khi người kia lại mập và nặng vì mỡ nhiều hơn.

Hai người có BMI giống nhau nhưng cơ thể hoàn toàn khác nhau (Ảnh: Internet).
Hai người có BMI giống nhau nhưng cơ thể hoàn toàn khác nhau (Ảnh: Internet).

Nếu chỉ tính một mình BMI thì có thể phân loại sai một người là “thừa cân” hoặc “béo phì” mặc dù họ rất ít mỡ. Do đó điều quan trọng là phải xem xét khối lượng cơ, mỡ và xương của mỗi người chứ không chỉ cân nặng đơn thuần.

BMI không nói lên sự phân bố mỡ trong cơ thể

Mặc dù BMI càng cao thì càng có liên quan với sức khỏe kém, nhưng vị trí của mỡ trên cơ thể cũng ảnh hưởng rất nhiều.

Những người tích mỡ quanh vùng bụng – được gọi là kiểu cơ thể “hình quả táo” – có nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao hơn những người tích mỡ ở hông, mông và đùi – được gọi là kiểu cơ thể “hình quả lê”.

Cơ thể kiểu quả táo và quả lê (Ảnh: Internet).
Cơ thể kiểu quả táo và quả lê (Ảnh: Internet).

Trong một bản đánh giá tổng quan 72 nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người kiểu quả táo có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn đáng kể, trong khi những người kiểu quả lê có nguy cơ thấp hơn. Các tác giả nhấn mạnh rằng BMI không tính đến sự phân bố mỡ trên cơ thể, do đó có thể phân loại nhầm một người là không khỏe mạnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh.

BMI có thể dẫn đến định kiến về cân nặng

Các bác sĩ phải đưa ra quyết định tốt nhất cho người bệnh dựa trên BMI và các yếu tố khác đặc trưng cho từng trường hợp. Nếu chỉ sử dụng một mình BMI để đánh giá có thể dẫn đến sai lầm và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Có rất nhiều thông tin cần cân nhắc ngoài BMI (Ảnh: Internet).
Có rất nhiều thông tin cần cân nhắc ngoài BMI (Ảnh: Internet).

Nhiều người có BMI cao nói rằng bác sĩ của họ chỉ tập trung vào chỉ số này, ngay cả khi họ đến khám vì một vấn đề khác. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng BMI của một người càng cao thì họ càng ít đi khám sức khỏe định kỳ do sợ bị đánh giá hoặc do cảm giác tiêu cực từ những lần trước, có thể dẫn đến chẩn đoán muộn và điều trị kém hiệu quả.

BMI có thể không phù hợp ở một số nhóm người

Mặc dù được sử dụng rộng rãi ở tất cả người lớn nhưng BMI có thể không phản ánh chính xác sức khỏe của một số nhóm chủng tộc nhất định. Ví dụ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người gốc Á có nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao hơn ở mức BMI thấp hơn so với người da trắng.

Trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các hướng dẫn BMI riêng cho châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có mức BMI thay thế cho khu vực này. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận mức thay thế này giúp đánh giá sức khỏe của người châu Á tốt hơn.

Thang đo BMI dành riêng cho người châu Á (Ảnh: Internet).
Thang đo BMI dành riêng cho người châu Á (Ảnh: Internet).

Ngoài ra người da đen cũng có thể bị xếp vào nhóm thừa cân mặc dù có ít mỡ và nhiều cơ hơn, kết quả là nguy cơ mắc bệnh mãn tính của họ có thể ứng với mức BMI cao hơn so với các chủng tộc khác, đặc biệt là ở phụ nữ da đen.

Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2011 cho thấy phụ nữ da đen được coi là khỏe mạnh về mặt trao đổi chất ở mức BMI cao hơn 3,0 so với những người không phải da đen. Điều này càng khiến cho chỉ số BMI kém chính xác khi áp dụng với các nhóm chủng tộc khác nhau.

Tóm lại: BMI chỉ đánh giá sức khỏe của một người theo cân nặng và chiều cao, trong khi các yếu tố khác như tuổi, giới tính, chủng tộc, cấu trúc cơ thể, tiền sử bệnh tật, v.v. cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng và tình trạng sức khỏe.

Có các lựa chọn thay thế tốt hơn BMI hay không?

Có nhiều cách khác để đánh giá cân nặng ngoài BMI (Ảnh: Internet).
Có nhiều cách khác để đánh giá cân nặng ngoài BMI (Ảnh: Internet).

Mặc dù có nhiều khuyết điểm nhưng chỉ số BMI vẫn được sử dụng như một công cụ đánh giá chủ yếu vì tính tiện lợi, nhanh gọn và có thể áp dụng được trong tất cả các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên cũng có nhiều chỉ số khác thay thế cho BMI có thể đánh giá sức khỏe toàn diện hơn – mặc dù tất cả chúng đều có ưu và nhược điểm riêng.

Chu vi vòng eo

Vòng bụng lớn cho thấy lượng mỡ tập trung ở vùng bụng nhiều hơn, có liên quan với nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao hơn. Mức giới hạn cụ thể là 35 inch (85 cm) ở nữ hoặc 40 inch (101,6 cm) ở nam.

Vòng eo là phép đo đơn giản nhất (Ảnh: Internet).
Vòng eo là phép đo đơn giản nhất (Ảnh: Internet).

Ưu điểm

Dễ đo, chỉ cần có thước dây.

Nhược điểm

Không tính đến các kiểu cơ thể khác nhau (như dạng “táo” so với dạng “lê”) và cấu trúc cơ thể (như khối lượng cơ và xương).

Tỷ lệ eo trên hông

Tỷ lệ vòng eo chia vòng hông lớn hơn 0,80 ở nữ và lớn hơn 0,95 ở nam cho thấy lượng mỡ tập trung nhiều ở bụng và có liên quan với nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh mãn tính cao hơn.

Tỷ lệ eo trên hông cũng rất phổ biến (Ảnh: Internet).
Tỷ lệ eo trên hông cũng rất phổ biến (Ảnh: Internet).

Ưu điểm

Dễ đo, chỉ cần thước dây và máy tính.

Nhược điểm

Không tính đến các kiểu cơ thể khác nhau (như hình quả táo so với hình quả lê) và cấu trúc cơ thể (như khối lượng cơ và xương).

Tỷ lệ mỡ trong cơ thể

Là tỷ lệ phần trăm lượng mỡ trong cơ thể của một người.

Tỷ lệ mỡ cơ thể không dễ tính đối với đa số mọi người (Ảnh: Internet).
Tỷ lệ mỡ cơ thể không dễ tính đối với đa số mọi người (Ảnh: Internet).

Ưu điểm

Phân biệt rõ cân nặng do mỡ và cân nặng không do mỡ, đánh giá nguy cơ sức khỏe chính xác hơn so với BMI

Nhược điểm

Các công cụ đơn giản như đo nếp gấp da, máy phân tích trở kháng điện sinh học di động, cân tại nhà, v.v. có độ sai sót cao. Trong khi đó các công cụ chính xác hơn lại đắt tiền và khó kiếm (như đo hấp thụ tia X năng lượng kép, cân dưới nước, BodPod, v.v.)

Xét nghiệm

Các phép đo trong phòng thí nghiệm như xét nghiệm máu và các chỉ số quan trọng khác có thể cho thấy nguy cơ mắc bệnh mãn tính (ví dụ: huyết áp, nhịp tim, cholesterol, đường huyết, tình trạng viêm).

Một mẫu máu có thể làm được rất nhiều xét nghiệm khác nhau (Ảnh: Internet).
Một mẫu máu có thể làm được rất nhiều xét nghiệm khác nhau (Ảnh: Internet).

Ưu điểm

Đánh giá chi tiết hơn về sự trao đổi chất trong cơ thể, không chỉ dựa vào lượng mỡ để làm thước đo.

Nhược điểm

Một chỉ số xét nghiệm đơn lẻ không đủ để chẩn đoán hoặc dự báo nguy cơ sức khỏe, mà phải kết hợp nhiều chỉ số.

Bất kể dùng công cụ gì để đánh giá, điều quan trọng đối với các nhân viên chăm sóc sức khỏe là không nên chỉ dựa vào một phép đo. Ví dụ: tính BMI cùng với vòng eo và nếu cần thiết thì có thể làm thêm xét nghiệm máu. Phải xem người bệnh như một cơ thể hoàn chỉnh và riêng biệt để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho họ về thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Tổng kết

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là công cụ đánh giá sức khỏe bằng cách ước tính lượng mỡ cơ thể và nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe. Chỉ số quá cao hoặc quá thấp đều có liên quan với sức khỏe kém.

Tuy hữu dụng nhưng BMI không tính đến các khía cạnh khác của sức khỏe. Sử dụng nó như một công cụ duy nhất để dự đoán sức khỏe cũng tạo ra định kiến về cân nặng và bất bình đẳng về sức khỏe.

BMI có thể là phép đo rất hữu ích cho người mới bắt đầu, nhưng không nên xem nó là phép đo duy nhất để đánh giá sức khỏe.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!



source https://bloganchoi.com/chi-so-khoi-co-the-bmi-la-gi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét