Nếu mỗi hình xăm trên cơ thể có thể kể cho ta một câu chuyện, về một dấu mốc, một chặng đường, một cuộc đời… thì khoảnh khắc “câu chuyện” đó diễn ra, nó đã được đánh dấu bằng một vết thương. Và vết sẹo chính là lớp khóa cuối cùng để khóa lại vết thương đó.
Tấm huy chương không được bày trong tủ kính
“Sinh lão bệnh tử, ai rồi cũng đến lúc phải chết”, mẹ tôi thở dài sau cuộc điện thoại từ dưới quê ngoại, báo tin một người họ hàng vừa mất. Quay sang tôi, mẹ nói: “Chắc con chẳng nhớ ông ấy đâu nhỉ, hồi bé cứ thấy ông sang chơi là mày lại khóc ré lên vì sợ, trên mặt ông có vết sẹo to ấy”.
Mẹ kể vậy thì tôi biết người ông bên họ ngoại vừa qua đời là ai. Vì đúng như mẹ nói, tôi rất sợ ông vì vết sẹo dài trên mặt, đến mức hồi nhỏ mỗi khi tôi không chịu ăn, mọi người còn mang ông ra dọa tôi để tôi nghe lời.
Những năm tháng sau này, khi đã chuyển lên Hà Nội đi học, mỗi lần về quê, các bác vẫn hay mang chuyện đó ra trêu tôi. Khi đã lớn rồi, tôi tò mò hỏi ông ngoại về vết sẹo to đó, ông ngoại kể rằng đó là vết thương thời chiến tranh, các ông các bà đều mang những vết sẹo thời chiến như vậy, chỉ khác nhau ở vị trí thôi. Người ở mặt, người ở lưng, ở bụng, thậm chí có người cụt tay, cụt chân.
Những vết thương đã liền sẹo đó, có thể khiến cho người mang chúng trở nên trông thật đáng sợ trong mắt người khác, nhất là lũ trẻ con, khiến họ vô tình trở thành những “ông Ba Bị” trong câu chuyện mang ra dọa trẻ. Nhưng ý nghĩa thật sự của nó, lại là “những tấm huy chương của cuộc đời”, ông ngoại tôi từng nói như vậy.
Những tấm huy chương này không được lau chùi sạch sẽ, bóng loáng, bày biện trong tủ kính để mọi người ngắm nhìn, tán thưởng. Ngược lại, nó xấu xí, khắc khổ, mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức, hành hạ người mang chúng trên thân thể. Nhưng nó là tấm huân chương vô giá, rực rỡ nhất, ý nghĩa nhất, đáng tự hào nhất.
Những vết sẹo kể câu chuyện cuộc đời
Trên thân thể con người, hầu như ai cũng mang ít nhất một vết sẹo. Một vết cứa đứt tay, một lần ngã xe hay thậm chí vài nốt muỗi đốt cũng có thể để lại vết tích trên da. Nó sẽ có thể mờ dần đi theo thời gian, mờ dần đi dưới tác dụng của những loại thuốc hay công nghệ thẩm mỹ và cũng sẽ mờ dần đi trong tâm trí chúng ta. Đơn giản vì đó là những vết thương ta vô tình gặp phải, đó chỉ là một sự không may.
Có ai “bình thường” mà lại muốn tự làm bản thân mình bị thương, chảy máu? Có ai muốn thân thể mình mang những vết sẹo lồi lõm?
Có đấy.
Tôi hiểu được điều đó, từ những ngày sinh viên đi tình nguyện tại bệnh viện Tim, khoa Nhi, nơi có rất nhiều em bé đang mong chờ, hy vọng một cuộc phẫu thuật có thể cứu sống cuộc đời mình. Từ những em bé sơ sinh, nhỏ xíu, yếu ớt, chưa biết gì về căn bệnh quái ác mình đang mang, đến những người thân, người cha, người mẹ đang mòn mỏi đến kiệt sức, họ mong chờ một vết sẹo sẽ “hồi sinh” cuộc đời, một vết sẹo hạnh phúc.
Nếu mỗi hình xăm trên cơ thể có thể kể cho ta một câu chuyện, về một dấu mốc, một chặng đường, một cuộc đời… thì khoảnh khắc “câu chuyện” đó diễn ra, nó đã được đánh dấu bằng một vết thương. Và vết sẹo chính là lớp khóa cuối cùng để khóa lại vết thương đó. Có những vết sẹo khiến ta tự hào, cũng có những vết sẹo ta mãi mãi muốn quên đi. Mỗi khi nó nhức nhối là lại kéo ta quay trở về với vết thương rỉ máu của quá khứ.
Nhưng âm ỉ, dai dẳng và nhức nhối nhất, có lẽ lại là những vết sẹo vô hình, không thể xóa nhòa, dù bằng bất kỳ phương pháp thẩm mỹ hiện đại nào. Nó không khiến bề ngoài ta xấu xí, nhưng nó có thể “ăn mòn” ta từ bên trong. Khi đối diện với những con người mang những vết sẹo này, thứ tôi cảm nhận được, đó là sự bất lực.
Mỗi cuộc đời là một câu chuyện khác nhau, mỗi câu chuyện lại được “kể” theo những cách khác nhau. Như vết sẹo dài trên khuôn mặt “ông Ba Bị” thời thơ ấu của tôi, ẩn sau những khắc khổ, “hung dữ” đó, lại là câu chuyện về một người chiến sĩ anh hùng.
Bạn có mang một vết sẹo nào không? Có câu chuyện nào phía sau những dấu tích trên thân thể không?
Chúng ta có thể chọn che giấu, giấu kín câu chuyện của mình hoặc chia sẻ chúng, vì mỗi vết thương sẽ để lại những bài học, cho ta, cho đời, cho người.
source https://bloganchoi.com/cau-chuyen-cua-nhung-vet-seo/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét