Trong lúc vaccine COVID-19 đang khan hiếm và rất nhiều nước chưa có đủ để tiêm cho người dân, thì một số nước “có điều kiện” hơn đã bắt đầu lên kế hoạch tiêm mũi thứ 3 tăng cường. Liệu mũi tiêm thứ 3 có thực sự cần thiết ngay lúc này? Hay là nên ưu tiên vaccine cho những nước đang gặp khó khăn vì đại dịch?
Một số nước đã chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 liều thứ 3
Các quan chức y tế của Mỹ thông báo rằng mũi tiêm tăng cường (mũi thứ 3) ngừa COVID-19 sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân chỉ ít ngày nữa thôi. Cụ thể, những người ở Mỹ được tiêm đầy đủ vaccine COVID-19 mRNA sẽ đủ điều kiện tiêm liều nhắc lại sau thời điểm tiêm liều thứ hai là 8 tháng.
Chi tiết về kế hoạch này đã được công bố trong cuộc họp báo về COVID-19 của Nhà Trắng vào ngày 18/8, trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành làm tăng cao số ca mắc và số ca nhập viện ở Mỹ, phần lớn là những người chưa được chủng ngừa hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Một thông báo được ký bởi Tiến sĩ Rochelle Walensky (giám đốc CDC), Tiến sĩ Janet Woodcock (quyền Ủy viên FDA – Cơ quan quản lý Thuốc và Dược phẩm Mỹ), Tiến sĩ Anthony Fauci (cố vấn y tế chính của Nhà Trắng), và các nhà lãnh đạo y tế khác của Mỹ đã nói rằng:
“Dữ liệu hiện có cho thấy rất rõ ràng rằng khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2 bắt đầu giảm dần theo thời gian sau những liều tiêm chủng ban đầu, và cùng với sự thống trị của biến thể Delta, chúng tôi bắt đầu thấy bằng chứng về việc giảm khả năng bảo vệ khỏi bệnh nhẹ và bệnh trung bình”.
“Dựa trên đánh giá mới nhất của chúng tôi, khả năng bảo vệ hiện tại chống lại bệnh nặng, nhập viện và tử vong có thể giảm trong những tháng tới, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao hơn hoặc đã được tiêm trong các giai đoạn trước của đợt triển khai tiêm chủng”.
Liều vaccine tăng cường sẽ được cung cấp sớm nhất vào khoảng ngày 20 tháng 9. Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao sẽ được ưu tiên tiêm trước, bao gồm những người sống trong cơ sở chăm sóc dài hạn, nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu khác. Sau đó liều vaccine thứ 3 sẽ được triển khai tương tự như đợt đầu tiên, trong đó những người lớn tuổi có thể sẽ được tiêm sớm hơn.
Một số người bị suy giảm miễn dịch cũng đủ điều kiện để tiêm liều thứ ba, nhưng đối với họ thì không được coi là “liều tăng cường” mà là “liều bổ sung” vì hệ miễn dịch suy yếu không tạo ra phản ứng miễn dịch đủ mạnh sau khi tiêm 2 liều đầu như thông thường.
Nhưng trong lúc các nhà lãnh đạo lên kế hoạch tiêm tăng cường cho người dân ở Mỹ, thì một số chuyên gia lại cảnh báo rằng chưa có nhiều dữ liệu về việc có thực sự cần tiêm mũi thứ 3 hay không. Hơn thế nữa, họ cho rằng yêu cầu cấp thiết bây giờ là phải để dành vaccine cho những người chưa được tiêm ở tất cả mọi nơi trên thế giới, nhất là những nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch.
Mũi tiêm thứ 3 có tác dụng gì trong việc phòng ngừa COVID-19?
Bác sĩ Richard Greenberg, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kentucky, cho biết hiện nay chưa có đủ dữ liệu để ủng hộ việc triển khai tiêm tăng cường rộng rãi cho người dân ở Mỹ.
Mới đây hãng Pfizer và BioNTech đã gửi dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho FDA để xem xét những lợi ích khi tiêm liều vaccine tăng cường của họ. Theo hãng tin CNBC, nghiên cứu này phát hiện ra rằng liều vaccine bổ sung giúp tạo ra “kháng thể trung hòa cao hơn đáng kể” chống lại chủng gốc của virus cũng như các biến thể Beta và Delta.
Tuy nhiên nghiên cứu không chỉ ra liệu mọi người có cần mức kháng thể cao hơn để chống lại bệnh nặng do COVID-19, hay lượng kháng thể hiện có ở thời điểm 8 tháng sau khi tiêm đầy đủ (hoặc lâu hơn nữa) vẫn đủ để bảo vệ khỏi COVID-19.
Theo bác sĩ Greenberg, nghiên cứu này cho thấy sự gia tăng kháng thể khi tiêm liều bổ sung, nhưng ông cho rằng chưa có dữ liệu để chứng minh ý nghĩa trên thực tế.
Lo ngại của các nhà lãnh đạo Mỹ cũng xuất phát một phần từ dữ liệu gần đây của Israel cho thấy có sự suy giảm khả năng bảo vệ do vaccine Pfizer-BioNTech, cụ thể là sự giảm dần hiệu quả của vaccine đối với bệnh nhẹ hoặc bệnh có triệu chứng nói chung và bệnh nặng ở người lớn tuổi.
Theo số liệu của Israel, đối với những người từ 65 tuổi trở lên được tiêm liều thứ hai vào tháng 1 năm nay, hiệu quả của vaccine chống lại bệnh nặng do COVID-19 đã giảm xuống chỉ còn 55%.
Tuy nhiên một số chuyên gia đã chỉ ra rằng dữ liệu này có biên độ sai số lớn, các chuyên gia khác lại cho rằng cần thu thập thêm thông tin – kể cả từ Mỹ – để biết chính xác vaccine có hiệu quả tốt đến đâu.
Dữ liệu trước đó của chính phủ Israel vào tháng 7 cho thấy mức giảm hiệu quả vaccine ít nghiêm trọng hơn, cụ thể là vẫn có hiệu quả 88% đối với nguy cơ nhập viện và 91% đối với bệnh nặng. Nhưng dữ liệu này cho thấy vaccine chỉ có hiệu quả 39% chống lại nhiễm virus và bệnh có triệu chứng.
Điều này trái ngược với một nghiên cứu của Vương quốc Anh được công bố vào tháng 7 trên Tạp chí Y học New England, trong đó phát hiện ra rằng chế độ tiêm hai liều vaccine Pfizer-BioNTech có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus có triệu chứng do biến thể Delta với hiệu quả là 88%.
Một vài dữ liệu của Mỹ cho thấy rằng vaccine mRNA vẫn duy trì khả năng bảo vệ chống lại bệnh nghiêm trọng do COVID-19, ngay cả khi biến thể Delta đang lưu hành. Một nghiên cứu được CDC công bố ngày 18/8 cho thấy không có sự suy giảm hiệu quả của vaccine trong việc giảm nguy cơ nhập viện do COVID-19 sau khi tiêm 24 tuần.
Một nghiên cứu khác của CDC cho thấy đối với những người sống trong viện dưỡng lão, hiệu quả của vaccine giảm từ 75% (giai đoạn tháng 3 đến tháng 5 năm 2021) xuống còn 53% (giai đoạn tháng 6-7). Hiện chưa có dữ liệu về hiệu quả của vaccine chống lại bệnh nặng ở nhóm người cao tuổi này.
Nguy cơ cao nhất vẫn là những người chưa được tiêm vaccine
Thống kê tại Mỹ cho thấy đang có dấu hiệu gia tăng các ca nhiễm COVID-19 sau khi đã tiêm vaccine đầy đủ (còn được gọi là “ca nhiễm đột phá”) ở một số bang nhất định. Chưa rõ liệu hiện tượng này có xảy ra trên diện rộng hay không, và nguyên nhân là do sự mất dần hiệu quả miễn dịch của vaccine hay là do khả năng lây lan cao hơn của biến thể Delta.
Tuy nhiên trên thực tế chúng ta đều biết vaccine không bao giờ có khả năng bảo vệ 100%, tránh được tất cả mọi sự lây nhiễm. Thay vào đó, chúng được sử dụng chủ yếu để làm giảm số ca mắc bệnh nặng.
Bác sĩ Greenberg nói: “Chúng ta không muốn mọi người bị ốm và phải nhập viện. Đó là công dụng của vaccine – để bảo vệ mọi người khỏi bệnh nặng, khỏi tử vong và khỏi bệnh tật khủng khiếp”. Nếu xét trên phương diện này thì các loại vaccine COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu quả, ngay cả đối với biến thể Delta.
Số lượng các ca nhiễm “đột phá” dẫn đến nhập viện hoặc tử vong là rất ít. Tính đến ngày 9 tháng 8, chỉ có hơn 8.000 trường hợp như vậy đã được báo cáo cho CDC. Ngoài ra phần lớn các trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng và tử vong ở Mỹ là những người chưa được chủng ngừa hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Loại vaccine một liều của Johnson & Johnson (J&J) cũng đã được chứng minh là có hiệu quả giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, kể cả đối với biến thể Delta. Trong một thông báo gần đây, các nhà nghiên cứu Nam Phi đã cho biết rằng mặc dù có nhiều ca nhiễm đột phá nhưng vaccine này vẫn đạt hiệu quả từ 65 đến 66% đối với nguy cơ nhập viện do COVID-19. Khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong thậm chí còn cao hơn: 91 đến 95%.
Tuy nhiên nghiên cứu này không cho biết liệu những người được tiêm vaccine hồi đầu năm có được bảo vệ giống như những người mới tiêm các liều gần đây hay không.
Nhiều quốc gia vẫn đang thiếu vaccine COVID-19
Một số chuyên gia nói rằng với rất ít dữ liệu cho thấy cần phải tiêm mũi thứ 3 ngay bây giờ, thì tốt hơn hết là nên để dành vaccine cho những người chưa được tiêm. Những người này có nguy cơ cao phải nhập viện hoặc tử vong nếu mắc COVID-19, và kể cả khi bản thân họ không có nguy cơ cao thì vẫn có thể dễ dàng lây lan virus cho những người khác.
Dữ liệu của CDC cho thấy trong số những người Mỹ đủ điều kiện để tiêm vaccine thì có đến 30% chưa nhận được dù chỉ một liều. Ngoài ra, trẻ em dưới 12 tuổi cũng chưa đủ điều kiện để chủng ngừa. Do vậy mục tiêu bây giờ là tăng tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng để làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho tất cả mọi người.
Tiến sĩ Ellie Murray, chuyên gia dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston, đã đăng trên Twitter: “Hãy tiêm liều tăng cường nếu bạn có hệ miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng, là bệnh nhân ghép tạng hoặc là người rất cao tuổi. Còn nếu không phải thì bạn sẽ giảm thiểu rủi ro của mình nhiều hơn bằng cách thuyết phục những người hàng xóm của bạn tiêm liều đầu tiên và thứ hai [vaccine mRNA] hoặc một liều của J&J.”
Việc tiêm liều thứ 3 cũng đặt ra các vấn đề về công bằng toàn cầu. Theo báo cáo của tổ chức Kaiser Family Foundation, ở các nước thu nhập cao có tới 51% người dân đã nhận được ít nhất một liều vaccine, trong khi tỷ lệ này chỉ là 1% ở các nước thu nhập thấp.
Đầu tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước giàu dừng việc tổ chức tiêm liều tăng cường để thế giới có cơ hội cung cấp vaccine cho ít nhất 10% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối tháng 9.
Bác sĩ Greenberg nói: “Tôi hơi lo lắng rằng có rất nhiều người trên thế giới cần vaccine”, và theo ông đó là thực tế mà chúng ta cần quan tâm trước khi tính đến việc chuyển sang chiến lược mới là tiêm tăng cường mũi thứ 3.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Vaccine COVID-19 của Moderna có thể bảo vệ chống lại biến thể Delta
- Vaccine COVID-19 có còn hiệu quả khi virus Corona liên tục biến đổi?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/vaccine-covid-19-co-can-tiem-mui-thu-3-tang-cuong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét