Tuổi dậy thì là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với trẻ, do đó nếu xảy ra bất thường sẽ khiến bản thân trẻ và cha mẹ rất lo lắng. Dậy thì muộn là một trong những vấn đề không hiếm gặp, nhưng bạn đã biết rõ về nguyên nhân và ảnh hưởng của nó hay chưa? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Dậy thì muộn là gì?
Tuổi dậy thì là giai đoạn cơ thể phát triển từ một đứa trẻ thành người trưởng thành, biểu hiện bằng sự thay đổi của nhiều bộ phận trên cơ thể.
Thông thường những thay đổi này bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi từ 8 đến 14 đối với các bé gái và từ 9 đến 15 tuổi đối với các bé trai. Khoảng tuổi như vậy là bình thường, do đó một số trẻ có thể phát triển sớm hơn hoặc muộn hơn vài năm so với các bạn bè của mình.
Tuy nhiên có những trẻ đã bước qua khỏi độ tuổi này mà vẫn không có bất kỳ dấu hiệu thay đổi nào trên cơ thể, khi đó sẽ được gọi là dậy thì muộn. Dậy thì muộn là hiện tượng trẻ bị chậm phát triển về sinh dục, các dấu hiệu trưởng thành sinh dục không xuất hiện ở độ tuổi như bình thường. Sự thay đổi của cơ thể đánh dấu giai đoạn dậy thì được gọi là “đặc điểm sinh dục thứ phát”, bao gồm sự phát triển của ngực hoặc tinh hoàn, lông mu, và thay đổi giọng nói.
Triệu chứng của trẻ dậy thì muộn là gì?
Các dấu hiệu dậy thì bình thường
Đối với trẻ em gái, biểu hiện của dậy thì bao gồm:
- Ngực phát triển
- Xuất hiện lông mu
- Cơ thể phát triển cao lớn nhanh, vóc dáng cơ thể thay đổi với phần hông rộng hơn
- Xuất hiện kinh nguyệt
Đối với trẻ em trai, biểu hiện của dậy thì bao gồm:
- Bắt đầu mọc lông mu và lông mặt
- Cơ thể phát triển cao lớn nhanh, vóc dáng cơ thể thay đổi – vai rộng và nhiều cơ bắp hơn
- Tinh hoàn và dương vật phát triển lớn hơn
- Giọng nói trầm hơn
Những thay đổi nêu trên là do tác động của hormone sinh dục mà cơ thể tạo ra nhiều hơn so với độ tuổi trước dậy thì – đó là testosterone ở nam và estrogen ở nữ.
Dấu hiệu dậy thì muộn là gì?
Nhìn chung các dấu hiệu có thể thấy rõ nhất là thiếu các đặc điểm sinh dục thứ phát. Các triệu chứng phổ biến ở trẻ em gái bao gồm:
- Không phát triển ngực ở tuổi 14
- Khoảng thời gian từ khi ngực bắt đầu phát triển đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên kéo dài hơn 5 năm
- Không có kinh nguyệt ở tuổi 16
Các dấu hiệu phổ biến ở trẻ em trai bao gồm:
- Dương vật và tinh hoàn không bắt đầu phát triển lớn hơn khi 14 tuổi
- Không có lông mu trước 15 tuổi
- Tầm vóc thấp hơn so với các bạn cùng lứa tuổi đang ở giai đoạn phát triển nhanh
- Khoảng thời gian để phát triển hoàn thiện bộ phận sinh dục như người trưởng thành kéo dài hơn 5 năm
Các dấu hiệu của dậy thì muộn có thể giống với một số bệnh lý và rối loạn khác, do đó nếu thấy trẻ có triệu chứng nghi ngờ thì bạn nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác.
Nguyên nhân gây dậy thì muộn là gì?
Đa số trường hợp dậy thì muộn thường không rõ nguyên nhân. Đôi khi tình trạng này có thể do di truyền và xuất hiện ở nhiều thế hệ trong gia đình, ngoài ra còn có thể do các yếu tố sau đây:
- Các bệnh mãn tính
- Khối u của tuyến yên hoặc vùng dưới đồi trong não
- Tuyến yên kém hoạt động (suy tuyến yên)
- Tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp)
- Sự phát triển bất thường của hệ sinh dục (buồng trứng ở bé gái và tinh hoàn ở bé trai)
- Cơ thể không có khả năng sử dụng nội tiết tố androgen (hội chứng vô cảm với androgen hoàn toàn)
- Tập luyện thể lực quá nhiều
- Thiếu dinh dưỡng
Di truyền trong gia đình
Nhiều trường hợp dậy thì muộn chỉ đơn giản là một đặc điểm di truyền trong gia đình. Trẻ bị dậy thì muộn có thể nhận thấy cha mẹ và các anh chị của mình cũng phát triển muộn hơn. Tình trạng này thường không cần điều trị và sau đó trẻ vẫn sẽ phát triển bình thường, chỉ là muộn hơn so với các bạn cùng lứa tuổi mà thôi.
Các bệnh mạn tính
Một số bệnh mạn tính như tiểu đường, xơ nang, bệnh thận, hoặc thậm chí hen suyễn cũng có thể khiến trẻ bị dậy thì muộn. Đó là vì bệnh tật khiến cơ thể khó tăng trưởng và phát triển hơn. Điều trị đúng cách và kiểm soát tốt các bệnh lý này có thể giúp giảm nguy cơ bị dậy thì muộn.
Thiếu dinh dưỡng
Trẻ bị thiếu dinh dưỡng – do không ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết hoặc không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu – cũng có thể phát triển muộn hơn so với những trẻ khác có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Ví dụ như thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn ăn uống do thần kinh thường sụt cân quá mức khiến cơ thể không phát triển bình thường.
Những trẻ em gái tập luyện cường độ cao từ nhỏ trong các môn thể thao cũng có thể phát triển muộn vì mức độ tập luyện khiến trẻ trở nên quá gầy, trong khi cơ thể của con gái cần tích lũy đủ lượng chất béo để bước vào tuổi dậy thì.
Rối loạn hormone
Dậy thì muộn cũng có thể xảy ra do các vấn đề ở tuyến yên hoặc tuyến giáp. Các tuyến này tạo ra các hormone quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
Bất thường nhiễm sắc thể
Một số trẻ gặp rối loạn về tuổi dậy thì do các vấn đề về nhiễm sắc thể – đó là các cấu trúc siêu nhỏ bên trong tế bào, được tạo thành từ DNA quy định cách phát triển của cơ thể. Khi nhiễm sắc thể bị thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường. Ví dụ:
- Hội chứng Turner xảy ra khi một trong hai nhiễm sắc thể X của nữ giới bị thiếu hoặc bất thường. Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề đối với sự phát triển của buồng trứng và sản xuất hormone sinh dục của cơ thể. Những phụ nữ mắc hội chứng Turner không được điều trị sẽ có vóc dáng thấp lùn, có thể gặp rối loạn về tuổi dậy thì và mắc các vấn đề sức khỏe khác.
- Nam giới mắc hội chứng Klinefelter có thêm một nhiễm sắc thể X dư thừa, tức là XXY thay vì XY như bình thường. Tình trạng này có thể làm chậm quá trình phát triển giới tính. Những chàng trai mắc hội chứng này thường cao hơn so với tuổi, có thể gặp vấn đề về trí tuệ và mắc các bệnh lý khác.
Những trẻ em nào có nguy cơ bị dậy thì muộn?
Các yếu tố sau đây làm cho trẻ em dễ bị dậy thì muộn hơn:
- Có cha mẹ hoặc anh chị em mắc tình trạng tương tự
- Mắc các bệnh mạn tính
- Mắc các hội chứng bẩm sinh
- Rối loạn ăn uống, thiếu dinh dưỡng hoặc kém hấp thu
Làm thế nào để chẩn đoán dậy thì muộn?
Nếu nghi ngờ trẻ bị dậy thì muộn, cha mẹ nên đến gặp bác sĩ. Tại phòng khám, bác sĩ sẽ tìm hiểu vấn đề của trẻ thông qua các bước:
- Khám triệu chứng
- Hỏi về bệnh sử, bao gồm cả việc những người khác trong gia đình có biểu hiện bất thường tương tự hay không
- Hỏi xem trẻ có đang dùng bất kỳ loại thuốc nào hay không
- Kiểm tra biểu đồ tăng trưởng của trẻ (nếu có)
Để tìm nguyên nhân gây dậy thì muộn, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số phương pháp để chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone, phát hiện bất thường về nhiễm sắc thể và các vấn đề sức khỏe mạn tính có thể làm chậm quá trình dậy thì – có thể bao gồm bệnh tiểu đường hoặc thiếu máu.
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang bàn tay và cổ tay có thể được dùng để ước tính tuổi của xương. Đối với trẻ dậy thì muộn, tuổi của xương thường “trẻ” hơn tuổi trên giấy tờ.
- Chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra có bất thường trong não hay không.
Trẻ dậy thì muộn được điều trị như thế nào?
Sau khi đã chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ xem xét tuổi, sức khỏe tổng quát và các yếu tố khác của trẻ khi tư vấn điều trị. Phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề. Trong nhiều trường hợp, khi nguyên nhân được điều trị dứt điểm thì quá trình dậy thì sẽ diễn ra bình thường. Nếu dậy thì muộn do di truyền thì thường không cần điều trị.
Nếu bác sĩ phát hiện có vấn đề nghiêm trọng nào đó, họ có thể tư vấn cho cha mẹ đưa trẻ đến gặp bác sĩ nội tiết nhi khoa chuyên điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên có vấn đề về tăng trưởng, hoặc đến một chuyên gia khác để kiểm tra hoặc điều trị thêm.
Một số trẻ dậy thì muộn cảm thấy khó chịu khi cơ thể mình bất thường so với bạn bè. Trong trường hợp đó, các bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị bằng hormone:
- Trẻ trai có thể được điều trị ngắn hạn với testosterone (thường là tiêm mỗi tháng trong vòng 4-6 tháng) để kích hoạt những thay đổi của tuổi dậy thì.
- Các bé gái có thể được sử dụng liều thấp estrogen trong 4–6 tháng để bắt đầu phát triển ngực.
Sau khi kết thúc thời gian điều trị, hormone tự nhiên của cơ thể thường sẽ tiếp tục hoàn thành quá trình dậy thì. Nếu cơ thể vẫn không có đủ hormone tự nhiên thì bác sĩ sẽ xem xét dùng hormone ngoại sinh để thay thế lâu dài.
Một số trường hợp khác cần thực hiện phẫu thuật để tác động tới nguyên nhân về thể chất.
Cha mẹ có thể giúp đỡ như thế nào khi trẻ bị dậy thì muộn?
Hầu hết những trẻ bị dậy thì muộn vẫn có thể phát triển bình thường và không gặp vấn đề nghiêm trọng về sau. Những trẻ gặp tình trạng này chỉ phát triển muộn hơn một chút so với mức trung bình, nhưng sau này vẫn có thể bắt kịp các bạn cùng trang lứa.
Một số nguyên nhân đặc biệt cần phải được điều trị bằng hormone bổ sung, khi đó cha mẹ nên hỗ trợ về mặt tinh thần để giúp trẻ không mặc cảm và quá lo sợ về sự khác biệt của mình.
Trẻ có thể cảm thấy khó chịu khi nhìn bạn bè của mình trưởng thành và phát triển trong khi điều tương tự lại không xảy ra với bản thân mình. Điều đó có thể dẫn tới tâm lý tự ti, mặc cảm, cho rằng mình thua kém bạn bè. Ngay cả khi bác sĩ hoặc cha mẹ trấn an rằng mọi thứ sẽ ổn thì trẻ cũng khó có thể tự tin hòa nhập cùng bạn bè, từ đó ảnh hưởng đến học tập và vui chơi.
Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường về tâm lý hoặc khó khăn trong học tập, cha mẹ nên trò chuyện cùng con, tới gặp bác sĩ hoặc tìm các chuyên gia về trẻ em để nói chuyện. Họ có thể giúp cha mẹ tìm ra vấn đề của trẻ và tư vấn cách giải quyết hợp lý.
Dậy thì muộn thường là vấn đề khó chịu và gây rắc rối cho trẻ, nhưng đa số các trường hợp đều có thể được giải quyết tốt đẹp. Các bậc cha mẹ hãy luôn quan tâm để ý đến con mình và phát hiện những dấu hiệu sớm nhất giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Dậy thì sớm là như thế nào? Có đơn giản chỉ là lớn trước tuổi?
- Hiện tượng “nổ đom đóm mắt” có nguyên nhân do đâu? Liệu có phải là bệnh lý nguy hiểm?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
source https://bloganchoi.com/day-thi-muon-la-gi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét