Bố nghiêm khắc, khó tính. Không bao giờ nói “Bố yêu con” nhưng thật ra, bố luôn yêu con theo cách riêng của mình.
“Học hành chăm chỉ cẩn thận vào, không là sau này lại như bố đấy”
Ngày bé, mình đã rất ghen tị với nhóm bạn thân cùng lớp. Vì bố mẹ chúng nó… đều mặc quần áo đẹp. Công chức nhà nước, bác sĩ, công an. Bố mình mỗi lần đi họp phụ huynh cho đều chỉ thích mặc chiếc áo bộ đội đã sờn ở cổ và tay áo. Dịp nào quan trọng lắm, bố không mặc sơ mi bộ đội nữa mà chuyển sang mặc chiếc áo khoác kaki quân đội, có gắn mấy huân huy chương be bé trên ngực trái. Cũng vẫn là bộ đội chứ không phải áo vest như bố của các bạn khác.
“Học hành chăm chỉ cẩn thận vào, không là sau này lại như bố đấy”
Bố luôn dặn mình như vậy!
Như bố mình, tức là làm rất nhiều việc. Chủ yếu là những việc vất vả cần đến sức lực như xây dựng, vận chuyển hàng hóa. Trước khi biết mê mẩn những bạn nam học xây dựng kiến trúc với vẻ ngoài cool ngầu, tự decor từng ngõ ngách trong nhà như những nam thần vẫn đăng trên các nhóm Facebook thu về cả mấy chục ngàn lượt like, thì xây dựng với mình vẫn là công việc dành cho những kẻ học hành không đến nơi đến chốn.
Lao động phổ thông, lao động chân tay – như cách bố thường tự nhận xét về công việc của mình. “Thợ xây cũng có thợ phụ và thợ chính. Nếu không học hành, sức con đến phụ hồ cũng không làm được chứ đừng nói đến lên thợ”.
Bao nhiêu năm ăn học lớn lên từ những thước xây của bố. Nhưng mình vẫn ko biết đâu là bay, đâu là thước, đâu là vữa hay đại loại cốt thép xi măng. Bố lái xe chở hàng xuyên các ngõ ngách giao cho khách. Nhưng con gái ông lại thường xuyên lạc đường. Thậm chí không xác định nổi phương hướng mà luôn đi lạc hai ba lần mới tìm được đường về.
Việc duy nhất mình phải hộ bố làm là cầm sổ chấm công, mua bia cho thợ và trông nhà!
“Học hành chăm chỉ cẩn thận vào, không là sau này lại như bố đấy”
Như bố mình – tức là làm nông, trồng cây rất giỏi. Hầu như không cây nào thất bại và không mùa nào vườn cây nhà mình thất thu. Con gái bố thì khác, kết quả chỉ có thể chấm được 3/10 điểm. Nghĩa là cây có thể mọc, nhưng không có quả. Hoặc có quả nhưng bé. Hoặc tệ hơn, cây từ chối cơ hội nhìn thấy ánh sáng, không muốn nảy mầm.
Bố luôn muốn lôi mình ra vườn để mình tận mắt trải nghiệm cuộc sống vất vả của công việc tay chân, để mình luôn phải khắc cốt ghi tâm chuyện học hành. Mặc dù thú thật hồi ấy, chuyện có cả một mảnh vườn rộng lớn trồng đủ mọi loại cây mà mình thích là điều mình thấy rất “oách”. “Con nhà nông nhưng không biết trồng cây. Con không còn cách nào khác ngoài học hành chăm chỉ đâu”.
Thật ra, bố à, bố chính là người mà con muốn mình trở thành
Bằng một cách kỳ diệu nào đó, mình đã lớn lên mà không hề phải làm những công việc nặng nhọc mà bố mẹ đã làm bao lâu nay. Mình cứ thế lớn lên trong sự “chảnh” đánh đổi bằng sự vất vả của bố mẹ. Học đại học, rồi đi mãi đi mãi đến tận giờ vẫn không biết cái bay cái thước là gì. Trồng cây nào mùa nào cho đúng. Mình đã có một cuộc sống đủ đầy. Có thể không bằng ai nhưng đã là tất cả những điều tốt nhất, đẹp nhất mà bố mẹ mình có thể.
Trưởng thành, đi làm xa nhà rồi mới nhận ra, màu áo xanh bố vẫn trân trọng mặc trong những dịp quan trọng. Là một nửa cuộc đời của bố. Là nhiệt huyết vẹn nguyên tuổi trẻ của cậu trai 17 tuổi từ miền quê đồng bằng Bắc bộ dành hết cho miền biên cương tổ quốc.
Nhà mình cách Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên khoảng vài chục km – Nơi 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều đơn vị bộ đội đã trực tiếp tham gia chiến đấu ròng rã nhiều năm và có đến hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống. Cuộc chiến diễn ra vào lúc đất nước tưởng chừng như đã hòa bình.
Mỗi tháng 7, những cựu chiến binh khắp nơi lại về với nghĩa trang Vị Xuyên thăm lại đồng đội nằm lại nơi biên cương trong cuộc chiến tranh biên giới. Mỗi tháng 7, bố lại dọn nhà đón đồng đội về thăm, chuẩn bị những món quà miền núi cho các bác mà năm nào cũng sợ thiếu.
Câu chuyện về những đồng đội cùng bố ra đi khi mới mười mấy tuổi lên miền biên giới xung phong bảo vệ từng con suối, khoảng rừng của tổ quốc và không trở về nữa theo tôi suốt tuổi thơ của mình. Những cái tên khốc liệt như Đồi thịt băm, Thác gọi hồn, Lò vôi thế kỷ,… đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ. Chiến sĩ trẻ nhất đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên là người đã viết đơn tình nguyện ra trận lúc mới 16 tuổi.
Bố cũng xung phong đi tình nguyện khi còn rất trẻ như thế. Và khi chiến tranh đi qua, bố chọn ở lại mảnh đất biên cương đầy nắng gió này. Mỗi tháng 7, bố đón đồng đội mình.
Bố vẫn tự nhận mình là “lao động phổ thông”, mặc dù bố thậm chí còn là chủ thầu của cả những công trình lớn ở huyện. Xây trường học, nhà văn hóa hay mương cấp nước bố đều làm được hết. Nhưng bố vẫn luôn muốn con gái bố làm những việc “có trình độ”. Trở thành người “có tri thức”, được “giáo dục tử tế và có học thức”.
Cuộc đời bố đã vất vả nhiều, bố chỉ muốn những điều tốt nhất cho con gái của mình. Trở thành người có lý tưởng, cống hiến thanh xuân cho đất nước, sống tình nghĩa, biết trước sau và không ngừng học hỏi, vượt khó vươn lên…
Thật ra, bố à, bố chính là người mà con muốn mình trở thành đấy ạ!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của mình. Hãy chia sẻ những cảm xúc của bản thân và đừng quên thường xuyên theo dõi BlogAnChoi nhé!
source https://bloganchoi.com/bo-chinh-la-nguoi-ma-con-muon-tro-thanh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét