Nếu bạn là người theo dõi hoặc đầu tư vào Bitcoin thì chắc chắn đều biết rằng đồng tiền điện tử này không phải là vô hạn. Chỉ có tổng cộng 21 triệu Bitcoin có thể được khai thác, và nhiều đồng tiền khác cũng có giới hạn ở mức độ nào đó. Nhưng giới hạn nguồn cung của Bitcoin có phải là tuyệt đối? Chúng ta có nên lo lắng về điều đó hay không, và nếu tạo ra thêm nhiều Bitcoin thì sẽ thế nào?
Giới hạn nguồn cung của Bitcoin
Tổng số Bitcoin trên thế giới luôn bị giới hạn ở mức 21 triệu coin. Khi người bí ẩn mang tên Satoshi Nakamoto tạo ra Bitcoin vào năm 2009, họ đã thiết kế mã nguồn để quy định nguồn cung của nó ở mức 21 triệu. Nhưng một số đồng tiền điện tử khác lại có nguồn cung vô hạn, tức là có thể khai thác vô tận không bao giờ hết. Vậy tại sao Nakamoto lại đặt ra giới hạn đối với Bitcoin?
Để hiểu điều này, hãy lấy ví dụ là vàng. Nguồn cung của kim loại quý này là hữu hạn, đó là một trong những yếu tố quan trọng khiến vàng có giá trị cao như vậy. Phải mất thời gian rất dài để vàng được hình thành trong tự nhiên, vì vậy khi đã khai thác cạn kiệt thì không thể đào thêm được nữa. Đó cũng là ý tưởng mà Nakamoto áp dụng cho Bitcoin: giới hạn nguồn cung để làm cho nó trở nên quý giá hơn.
Có thể tăng giới hạn nguồn cung Bitcoin hay không?
Một cách phổ biến để kiếm nhiều tiền một cách thụ động trong lĩnh vực tiền điện tử là “đào” Bitcoin, bao gồm 2 việc là đưa các đồng Bitcoin mới vào lưu thông và xác thực các khối giao dịch trong mạng lưới để tăng độ bảo mật. Cả hai cách này đều có thể mang lại lợi nhuận cao, nếu khai thác toàn bộ một khối sẽ được thưởng khoảng 6,25 BTC.
Nhưng có một vấn đề ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều người e ngại việc đào Bitcoin, đó là khi đã có nhiều coin được đưa vào lưu thông và nhiều khối được xác thực thì quá trình khai thác sẽ khó hơn rất nhiều vì nguồn cung Bitcoin gần cạn kiệt, khả năng khai thác thành công sẽ giảm xuống.
Hơn nữa, khi đã có nhiều đồng tiền được khai thác thì phần thưởng dành cho thợ đào sẽ liên tục giảm xuống một nửa. Vào năm 2024, phần thưởng sẽ giảm từ 6,25 BTC như hiện nay xuống chỉ còn 3,125 BTC, và cuối cùng khi đã đạt đến giới hạn nguồn cung thì không thể kiếm lợi nhuận từ việc khai thác Bitcoin nữa.
Vậy có phải nếu tăng giới hạn nguồn cung hoặc nguồn cung vô hạn thì các thợ đào có thể kiếm được phần thưởng mãi mãi?
Về mặt kỹ thuật thì có thể tăng nguồn cung để mọi người khai thác thêm nhiều Bitcoin, thậm chí là vô hạn. Nhưng khi đó giá của đồng tiền có thể sẽ giảm mạnh và gây hậu quả nghiêm trọng cho thị trường. Nếu Bitcoin đột nhiên không còn khan hiếm nữa thì các nhà đầu tư sẽ thay đổi cách nhìn về nó với tư cách là một loại tài sản cất trữ. Cũng tương tự như vàng, nếu số lượng đột nhiên trở nên vô hạn thì giá trị sẽ giảm mạnh vì nó không còn là thứ để mọi người săn lùng nữa.
Tuy nhiên lại có những đồng tiền không giới hạn nguồn cung mà vẫn có giá cao, ví dụ như Ethereum. Vậy tại sao Bitcoin không thể giữ được giá cao nếu tăng nguồn cung?
Tại sao Bitcoin dễ bị mất giá nếu tăng nguồn cung?
Điều quan trọng ở đây là Bitcoin và Ethereum có cách thức hoạt động khác nhau. Mặc dù cả hai đều là tiền điện tử được xây dựng dựa trên blockchain của riêng mình và có thể được giao dịch mua bán, nhưng blockchain của chúng có cách vận hành khác nhau.
Bitcoin được xem như một tài sản cất trữ nhiều hơn, còn blockchain của Ethereum thường được dùng cho các hoạt động phi tập trung như ứng dụng phi tập trung, tạo token mới, các vật phẩm NFT, v.v. Trên thực tế, nhiều người cho rằng Ethereum là blockchain tốt nhất hiện nay để sử dụng các hợp đồng thông minh.
Tóm lại, Bitcoin được tạo ra như một loại tài sản thay thế và cất trữ nên nếu nguồn cung của nó đột nhiên tăng vô hạn thì sẽ bị mất giá, và có khả năng sẽ không thể phục hồi nếu tình trạng vô hạn đó duy trì vĩnh viễn.
Nhưng nếu giới hạn nguồn cung của Bitcoin thực sự được tăng lên thì cách làm như thế nào?
Cách tăng giới hạn nguồn cung của Bitcoin
Tất nhiên điều này là không hề dễ dàng. Việc thay đổi giới hạn nguồn cung đồng nghĩa với thay đổi mã nguồn của Bitcoin, mà điều này là bất khả thi vì mã nguồn nằm trong một hệ thống phi tập trung, không thuộc sở hữu của riêng một người nào.
Bản thân blockchain của Bitcoin được tạo thành bởi hàng nghìn nút, mỗi nút đều chứa mã nguồn của mạng lưới. Hầu hết các nút sử dụng phần mềm Bitcoin Core để kết nối với blockchain, nhưng cũng có nhiều nút sử dụng phần mềm khác cũ hơn. Nếu thay đổi giới hạn nguồn cung của Bitcoin thì tất cả các nút trên toàn mạng sẽ phải sử dụng một loại phần mềm mới, gây rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc thay đổi mã nguồn của Bitcoin sẽ khiến cộng đồng hoang mang và mâu thuẫn vì trái với mong muốn ban đầu của Nakamoto khi tạo ra Bitcoin.
Nhưng có một điều rất thú vị mà nhiều người không biết, đó là thực ra rất khó khai thác cạn kiệt hoàn toàn Bitcoin.
Có thể khai thác hết sạch Bitcoin không?
Trước hết, người ta ước tính rằng phải mất gần 120 năm để khai thác hết 21 triệu Bitcoin. Nhưng còn có một cơ chế để ngăn điều này xảy ra, đó là quy định làm tròn từ số thập phân thành số nguyên nhỏ hơn đối với phần thưởng dành cho việc khai thác Bitcoin. Do đó tổng số Bitcoin được lưu thông có thể sẽ dưới 21 triệu một chút.
Nhưng khi Bitcoin cuối cùng được khai thác thì điều gì sẽ xảy ra? Tất nhiên là các giao dịch vẫn diễn ra bình thường, nhưng sẽ không còn cách kiếm tiền từ việc đưa thêm Bitcoin vào lưu thông mà chỉ có cách xử lý các khối đang có sẵn. Điều này có nghĩa là các thợ đào bình thường có thể sẽ bị giảm thu nhập so với hiện tại.
Tổng kết
Mặc dù việc tăng giới hạn nguồn cung của Bitcoin nghe rất hấp dẫn với một số người, nhưng thực tế không nên và cũng rất khó làm điều đó. Các thợ đào Bitcoin hiện tại vẫn đang kiếm được lợi nhuận tốt, nhưng theo thời gian, Bitcoin ngày càng cạn kiệt sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- “Đốt tiền điện tử” là gì? Tại sao tiền điện tử phải thường xuyên bị đốt?
- Tại sao tiền điện tử gần đây “lao dốc”? Đồng LUNA và UST có tốt hơn không?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
source https://bloganchoi.com/tai-sao-bitcoin-bi-gioi-han-21-trieu-dong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét