Nói đến hacker thì hầu hết mọi người đều nghĩ đến những kẻ chuyên tấn công mạng để đánh cắp dữ liệu của người khác. Nhưng bạn có biết rằng trên thế giới từng có những hacker nổi tiếng gây ra nhiều vụ tấn công “kinh hoàng” vào những công ty lớn và cơ quan chính phủ, nhưng cuối cùng cái kết của họ mới thật là bất ngờ. Hãy cùng xem những câu chuyện đó nhé.
Những “hacker mũ đen” nổi tiếng đã từng gây ra những vụ tấn công nghiêm trọng khiến cả thế giới phải khiếp sợ. Nhưng sau đó kết cục của họ như thế nào? Và bây giờ họ ra sao? Hãy cùng xem những câu chuyện có thật sau đây.
1. Kevin Mitnick
Hacker nổi tiếng nhất từ trước tới nay có lẽ là Kevin Mitnick, người được Bộ Tư pháp Mỹ gọi là “tội phạm máy tính bị truy nã gắt gao nhất trong lịch sử Mỹ”. Câu chuyện của Kevin Mitnick nghe khó tin và ly kỳ đến mức đã trở thành nguồn cảm hứng cho một bộ phim ăn khách tên là Track Down. Đến nay nhiều người vẫn cho rằng đây là hacker giỏi nhất mọi thời đại.
Kevin Mitnick đã làm gì?
Kevin Mitnick từng bị phạt tù 1 năm vì tấn công mạng Công ty Cổ phần Thiết bị Kỹ thuật số. Sau khi hết hạn tù, hắn được quản thúc tự do dự kiến trong 3 năm, nhưng khi gần hết quãng thời gian đó hắn lại bỏ trốn và “ngựa quen đường cũ”. Lần này Mitnick đã hack hệ thống cảnh báo quốc phòng và tấn công dữ liệu của các doanh nghiệp kéo dài khoảng 2 năm rưỡi.
Bây giờ ra sao?
Kevin Mitnick đã bị bắt và chịu án tù 5 năm. Sau khi kết thúc hạn tù, ông trở thành chuyên gia tư vấn và diễn giả về lĩnh vực bảo mật máy tính, hiện nay là chủ của Công ty Tư vấn Bảo mật Mitnick.
2. Jonathan James
Còn được biết đến với biệt danh “c0mrade”, Jonathan James là một hacker nổi tiếng nhưng câu chuyện của anh ta đã không kết thúc có hậu như Mitnick. Anh ta đã trở thành hacker từ khi còn rất trẻ với “thành tích” tấn công mạng một số cơ sở thương mại và chính quyền, dẫn đến phải vào tù khi còn đang ở tuổi vị thành niên.
Jonathan James đã làm gì?
Cuộc tấn công lớn nhất của James là nhắm vào mạng của NASA, anh ta đã đánh cắp mã nguồn ghi lại cơ chế vận hành của Trạm vũ trụ quốc tế, trị giá khoảng 1,7 triệu USD ở thời điểm đó. Hậu quả là NASA phải tạm dừng hoạt động mạng kéo dài 3 tuần để điều tra và thiệt hại thêm 41.000 USD.
Bây giờ ra sao?
Năm 2007, một số công ty lớn đã bị tấn công mạng nghiêm trọng và James bị nghi ngờ đứng sau những vụ đó. Anh ta phủ nhận, nhưng tới năm 2008 đã tự sát vì sợ mình sẽ bị kết tội oan.
3. Albert Gonzalez
Được coi là một trong những hacker giỏi nhất thế giới, Albert Gonzalez từng là kẻ cầm đầu nhóm hacker tên là ShadowCrew. Nhóm tin tặc này chuyên đánh cắp số thẻ tín dụng để bán, ngoài ra còn làm giả giấy khai sinh, hộ chiếu và thẻ bảo hiểm y tế để giả mạo danh tính phục vụ cho hoạt động tội phạm.
Albert Gonzalez đã làm gì?
Với “thành tích” đánh cắp hơn 170 triệu số thẻ tín dụng và thẻ ATM chỉ trong khoảng 2 năm, Albert Gonzalez đã trở nên khét tiếng trên mạng. Sau đó hắn tấn công vào TJX Companies và Hệ thống Thanh toán Heartland, lấy hết toàn bộ số thẻ tín dụng trong cơ sở dữ liệu của họ.
Bây giờ ra sao?
Án phạt dành cho Gonzalez là 20 năm tù, gồm 2 bản án 20 năm được thi hành cùng lúc. Dự kiến anh ta sẽ ra tù vào năm 2025.
4. Kevin Poulsen
Với biệt danh “Dark Dante”, Kevin Poulsen nổi tiếng là một hacker chuyên tấn công hệ thống điện thoại. Có lần anh ta hack điện thoại của đài phát thanh để tự trao giải thưởng cho chính mình – một chiếc xe Porsche mới cứng. Poulsen được giới truyền thông lúc đó gọi là “Hannibal Lecter của tội phạm máy tính”.
Kevin Poulsen đã làm gì?
Poulsen bị FBI truy nã do tấn công các hệ thống quốc gia Mỹ và lấy những thông tin nghe lén. Cuối cùng anh ta đã bị bắt khi đang ở trong một siêu thị và chịu án phạt bồi thường 56.000 USD cùng với 51 tháng tù.
Bây giờ ra sao?
Sau khi ra tù năm 1995, Poulsen đã hoàn lương với công việc làm nhà báo và hiện là một biên tập viên tích cực của tạp chí Wired. Thậm chí năm 2006 anh ta còn giúp chính quyền tìm ra 744 kẻ tội phạm tình dục trên MySpace.
5. Gary McKinnon
Với biệt danh “Solo”, Gary McKinnon là kẻ đứng sau vụ hack máy tính quân sự nghiêm trọng nhất thế giới cho đến nay.
Gary McKinnon đã làm gì?
Chỉ trong vòng hơn 1 năm, từ tháng 2/2001 đến tháng 3/2002, McKinnon đã xâm nhập 97 máy tính thuộc NASA và Lực lượng vũ trang Mỹ. Anh ta nói rằng chỉ muốn tìm thông tin về năng lượng bí mật và UFO bị chính phủ che giấu, nhưng các cơ quan điều tra cáo buộc anh ta đã xóa một số dữ liệu quan trọng và ảnh hưởng tới hoạt động của hơn 300 máy tính, thiệt hại hơn 700.000 USD.
Bây giờ ra sao?
Vì là người gốc Scotland và phạm tội khi ở bên ngoài Vương quốc Anh nên McKinnon có thể lẩn trốn cho tới năm 2005 mới bị bắt và yêu cầu dẫn độ về Mỹ. Sau nhiều lần kháng cáo, Thủ tướng Anh lúc đó là bà Theresa May đã không cho phép dẫn độ với lý do McKinnon bị “ốm nặng” và việc dẫn độ là “không phù hợp với quyền con người”.
6. Robert Tappan Morris
Robert Tappan Morris có cha là Robert Morris, nhà khoa học máy tính từng làm việc tại Bell Labs và sau này là NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ). Morris được coi là người đầu tiên tạo ra virus máy tính trên thế giới.
Robert Tappan Morris đã làm gì?
Khi còn học ở Đại học Cornell, anh ta đã tạo ra virus mang tên Morris Worm vào năm 1988. Chương trình này vốn được lập trình để đo kích thước của mạng Internet, nhưng nó có đặc điểm là có thể nhiễm vào máy tính nhiều lần và mỗi lần như vậy khiến cho máy tính chạy chậm hơn. Virus này đã khiến cho hơn 6.000 máy tính bị hư hại đến mức không thể dùng được nữa.
Bây giờ ra sao?
Năm 1989, Robert Tappan Morris bị kết án 3 năm quản thúc cùng với 400 giờ lao động công ích và số tiền phạt 10.050 USD. Sau thời gian chịu án phạt, ông đã thành lập Y Combinator và hiện là giáo sư giảng dạy tại Viện Công nghệ Massachusetts nổi tiếng.
7. Loyd Blankenship
Với biệt danh “Người cố vấn” trong giới hacker, Loyd Blankenship đã bắt đầu “sự nghiệp” từ những năm 1970 bằng cách tham gia một số nhóm hacker, trong đó nổi tiếng nhất là Legion of Doom (LOD).
Loyd Blankenship đã làm gì?
Blankenship đã viết một bài tiểu luận với tiêu đề “Những lời cuối cùng của Người cố vấn“, hay còn được biết đến với tên gọi “Lương tâm của một Hacker và Tuyên ngôn Hacker”, được viết sau khi anh ta bị bắt vào năm 1986. “Tác phẩm” này được coi là nền tảng cho giới hacker.
Bây giờ ra sao?
Năm 1989, Blankenship làm việc cho công ty game Steve Jackson để phát triển GURPS Cyberpunk. Năm 1990, Cơ quan Mật vụ Mỹ đã đột kích vào nhà anh ta và thu giữ cuốn sách liên quan tới game mà họ gọi là “cuốn sổ tay cho tội phạm máy tính”. Hiện tại Blankenship đã từ bỏ con đường hacker và đang là trưởng bộ phận nghiên cứu và thiết kế sản phẩm tại McAfee.
8. Julian Assange
Julian Assange trở thành hacker từ tuổi 16 tuổi và được biết đến với biệt danh “Mendax”. Trong hơn 4 năm, hắn đã tấn công vào hệ thống mạng của chính quyền, các công ty và cơ sở giáo dục, trong đó có cả Đại học Stanford, NASA, Lầu Năm Góc, Lockheed Martin, Citibank.
Julian Assange đã làm gì?
Năm 2006, Assange lập ra nền tảng WikiLeaks với mục đích công khai các tin tức và tài liệu mật từ các nguồn ẩn danh. Các cơ quan điều tra của Mỹ kết tội anh ta theo Đạo luật Gián điệp vào năm 2010.
Bây giờ ra sao?
Từ năm 2012 đến 2019, Assange lẩn trốn pháp luật bằng cách sống trong đại sứ quán Ecuador ở London, sau đó đã bị tước bỏ quyền tị nạn và bị cảnh sát vào bắt. Hiện tại anh ta đang chịu án tù ở Anh nhưng được tòa án từ chối yêu cầu dẫn độ về Mỹ.
9. Guccifer 2.0
Guccifer 2.0 là một cái tên bí ẩn, không ai biết danh tính thực sự đằng sau cái tên này. Có thể chỉ là một người hoặc có thể là một nhóm nhiều người. Cái tên này được lấy cảm hứng từ một hacker người Romania có biệt danh là “Guccifer”, trước đó thường tấn công vào các nhân vật trong giới chính trị và các quan chức chính phủ Mỹ.
Guccifer 2.0 đã làm gì?
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã xảy ra vụ tấn công vào hệ thống mạng của Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ, dẫn tới rất nhiều tài liệu bị đánh cắp và bị lộ ở nhiều nơi như WikiLeaks. Nhiều người cho rằng Guccifer 2.0 là đội ngũ tình báo của Nga, nhưng chính họ từng khẳng định họ là người Romania.
Bây giờ ra sao?
Guccifer 2.0 đã “lặn mất tăm” ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, sau đó tháng 1/2017 lại xuất hiện và tuyên bố rằng họ không liên quan với tình báo Nga. Kể từ đó không có thêm tin tức gì về họ nữa.
10. Anonymous (Ẩn danh)
Có thể coi đây là “hacker” nổi tiếng nhất từ trước tới nay, nhưng cũng là “kỳ cục” nhất. Anonymous không phải là một người cụ thể mà thực chất là một nhóm hacker rải rác ở khắp mọi nơi trên thế giới, không có quy tắc thành viên hay hệ thống tổ chức rõ ràng. Bất kỳ ai cũng có thể tự nhận mình là Anonymous.
Anonymous đã làm gì?
Xuất hiện từ năm 2003, Anonymous đã thực hiện một số vụ tấn công vào những mục tiêu lớn như Amazon, PayPal, Sony, Nhà thờ Baptist Westboro, dark web, thậm chí cả chính phủ của Mỹ, Úc, Ấn Độ, Syria, v.v.
Bây giờ ra sao?
Anonymous vẫn tiếp tục hoạt động cho tới bây giờ. Từ năm 2011 đã có 2 nhóm hacker được thành lập từ Anonymous mang tên là LulzSec và AntiSec.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
source https://bloganchoi.com/nhung-hacker-noi-tieng-tren-the-gioi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét